Khoảng không tĩnh lặng...

26-05-2021 08:32 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Dịch bệnh bùng phát, bên cạnh các bệnh viện đang hoạt động để điều trị và chăm sóc người bệnh, một số bệnh viện dã chiến được thành lập với hàng trăm giường bệnh sẵn sàng đón nhận các ca dương tính với COVID -19.

Tỉnh Vĩnh Phúc của tôi cũng không ngoại lệ. Ngay khi có thông báo ca dương tính với COVID-19 liên quan đến chuyên gia Trung Quốc, bệnh viện dã chiến được kích hoạt. Tất cả nhân viên y tế có tên trong danh sách được triệu tập ngay trong đêm. Mọi người ai nấy đều vội vàng chuẩn bị mấy bộ quần áo, tư trang cho vào vali, lập tức lên đường, chẳng kịp tạm biệt con nhỏ. Có người chỉ kịp ngắm nhìn con một lúc trong khi trẻ đang ngủ rồi lên đường ngay.

Một chị điều dưỡng được điều động làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến tâm sự: Đây là lần thứ hai mình tham gia trong đoàn công tác của bệnh viện. Mọi thứ mình đã chuẩn bị chu đáo. Đêm đó chị cẩn thận kéo nhẹ cánh cửa không để bọn trẻ thức giấc, ấy vậy mà một đứa vẫn tỉnh dậy dụi mắt hỏi mẹ:

- Mẹ lại đi à? Bao giờ mẹ về?

Mình đưa tay lên miệng ra hiệu:

- Suỵt! Em tỉnh dậy bây giờ! Ngoan khi nào chiến thắng dịch mẹ sẽ trở về!

Con bé theo bản năng nằm ngay xuống giường, miệng không quên lẩm bẩm:

- Chúc mẹ may mắn!

Sau đó nó lại thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành. Chị hôn lên trán con rồi lên đường, vừa đi vừa mỉm cười. Chắc con bé mơ ngủ, mai tỉnh dậy không biết nó có nhớ gì không. Nhưng ít ra nó vẫn được tạm biệt mẹ vì lần này chị đi không hẹn ngày trở về.

Các chiến sĩ áo trắng

Các chiến sĩ áo trắng tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc mang trong mình một niềm tin quyết thắng.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, bệnh viện dã chiến của các tỉnh phải điều trị bệnh nhân dương tính. Chỉ sau khi các F0 âm tính ra viện hết, các chiến sĩ áo trắng vẫn phải ở lại bệnh viện 14 ngày mới được về nhà. Thời gian xa nhà sẽ rất lâu, có thể một, hai tháng... hoặc nhiều hơn thế.

Thế rồi các “chiến sĩ áo trắng” bắt đầu công việc chăm sóc và điều trị tại bệnh viện dã chiến. Công việc vẫn vậy mà sao một ngày tại nơi đây lại dài đến thế. Bình thường hàng ngày làm việc ở bệnh viện vẫn nghe thấy tiếng tấp nập người qua lại, tiếng rú còi xe cứu thương, tiếng phình phịch của máy thở hay những nụ cười của đồng nghiệp. Vậy mà ở đây khoảng không tĩnh lặng quá, không ai được chuyện trò, giữ khoảng cách 2m, quần áo bảo hộ kín mít, chỉ hở đôi mắt. Điện thoại được để trong túi bóng nên nếu người thân có gọi hỏi thăm cũng nhận được một giọng quen thuộc “thuê bao quý khách tạm thời không liên lạc được”.

Khi màn đêm buông xuống, cũng vẫn bộ quần áo bảo hộ màu trắng kín mít, giữ khoảng cách và đi kiểm tra người bệnh, không ai lên tiếng. Chúng tôi nói đùa nhau may có điện chứ không mất điện ai yếu tim nhìn thấy đồng nghiệp tôi vậy tưởng bóng ma.

Khó khăn là vậy mà không ai phàn nàn, kêu ca, vẫn nhiệt tình chăm sóc người bệnh. Cách bốn giờ lại theo dõi mạch, nhiệt độ, phát thuốc, phục vụ cơm cho bệnh nhân tại giường và không quên động viên người bệnh, mặc dù người mình ướt đẫm mồ hôi.

Các anh chị chiến đấu miệt mài chẳng còn nghĩ đến ngày tháng. Chỉ có những giây phút giải lao mới giật mình nhớ ra hôm nay là ngày sinh nhật của con gái. Cũng chẳng dám gọi điện vì sợ con sẽ hỏi, vì nỗi nhớ làm mình nhụt chí. Chỉ mở album ảnh trong điện thoại để ngắm con từ khi sinh cho đến ngày sinh nhật. Đem những tấm ảnh đó nhờ mạng xã hội gửi lời chúc. Hẹn hết dịch mẹ sẽ trở về tổ chức lại sinh nhật cho con…

Các y bác sĩ làm việc trong bệnh viện dã chiến mặc dù đứng trước muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng luôn đặt quyết tấm cao “chung tay cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy lùi dịch COVID-19”. Các anh chị luôn tâm niệm đó là một vinh dự vì được góp sức mình khi Tổ quốc cần.

Bên cạnh những đồng nghiệp đang ở trong bệnh viện dã chiến chăm sóc người bệnh COVID-19, các đồng nghiệp khác của tôi cũng phải tăng công suất làm việc.

mổ cấp cứu cho bệnh nhân

Mổ cấp cứu cho bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến.

Dịch bệnh khiến khó khăn chồng chất khó khăn đặt lên đôi vai người thầy thuốc, biết bao đứa trẻ phải xa bố mẹ về quê với ông bà, có đứa mới hơn 10 tuổi phải tự chăm em để bố mẹ yên tâm chống dịch...

Để động viên tinh thần anh em trong bệnh viện dã chiến, những cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện, ngày nghỉ tình nguyện nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng mang vào tiếp tế cho đồng nghiệp của mình đang làm nhiệm vụ.

Những món ăn đong đầy tình cảm anh em đồng đội dành cho nhau lúc gian khó. Bên cạnh đó có cả những món quà từ các mạnh thường quân gửi tặng chiến sĩ áo trắng như một lời tri ân đến các thầy thuốc đang ngày đêm chống dịch. Hành động đó khiến cho chúng tôi dù vất vả vẫn cảm thấy ấm lòng.

Hơn ai hết tinh thần tương thân tương ái, tình đoàn kết, lòng tin tưởng của người dân vào ngành y tế. Chúng tôi cũng mong nhận được sự cảm thông sâu sắc từ người dân, đừng miệt thị khi chúng tôi là F1, F2. Vì nhiệm vụ chúng tôi sẵn sàng chiến đấu quên mình cho một mục đích cao cả - chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Xem thêm: Khi “Màu áo xanh” kịp thời sẻ chia với các "chiến sĩ áo trắng"

Tăng cường thầy thuốc đến Bệnh viện Dã chiến Hà Nam


Anh Đào
Ý kiến của bạn