Khoáng chất cần bổ sung cho người bị mụn trứng cá

21-01-2020 10:11 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến thường phát triển ở tuổi dậy thì. Có nhiều loại thuốc OTC và thuốc kê đơn sẵn có để điều trị mụn trứng cá.

Tuy nhiên, việc bổ sung đầy đủ một số vitamin và khoáng chất có thể giúp điều trị và ngăn ngừa tình trạng này.

Mụn trứng cá là một tình trạng da viêm gây ra mụn nhọt và các tổn thương da khác. Đây là tình trạng phổ biến có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng thường xảy ra trong giai đoạn dậy thì. Mụn phát triển khi các tuyến trên da sản xuất quá nhiều dầu và bị tắc nghẽn bởi vi khuẩn và tế bào da chết. Những lỗ chân lông bị tắc có thể sưng lên, dẫn đến sự hình thành của mụn nhọt. Bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị, việc bổ sung một số vitamin và khoáng chất sẽ có lợi cho những người bị mụn trứng cá này.

Kẽm

Kẽm là một khoáng chất thiết yếu góp phần vào một loạt các chức năng của tế bào, bao gồm: Tăng cường hệ miễn dịch, cơ thể ngăn ngừa viêm nhiễm, chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn; tổng hợp protein và DNA, đẩy nhanh quá trình tái tạo da, làm lành vết thương... Việc thiếu kẽm có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của mụn trứng cá.

Một nghiên cứu năm 2013, các nhà khoa học đã điều tra nồng độ kẽm trong máu ở những người có và không có mụn trứng cá, phát hiện ra rằng, mức độ của khoáng chất này thấp hơn đáng kể ở những người bị mụn trứng cá. Các nhà khoa học khuyến cáo, một chế độ ăn giàu kẽm có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng này.

Một đánh giá có hệ thống từ năm 2013 cũng cho thấy rằng các dạng kẽm và thuốc bôi có thể giúp điều trị mụn trứng cá. Các tác giả đã tìm thấy bằng chứng chỉ ra rằng kẽm có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm có lợi trong việc giảm mụn trứng cá. Kẽm còn làm giảm sản xuất dầu trên da.

Khoáng chất cần bổ sung cho người bị mụn trứng cáMột số vitamin và khoáng chất  có thể tốt cho người bị mụn trứng cá.

Kẽm có rất nhiều trong thực phẩm như: hải sản (hàu, cua và tôm hùm), thịt đỏ, thịt gia cầm, đậu, các loại hạt và ngũ cốc, sản phẩm sữa... Ngoài ra, còn có ở dạng sản phẩm bổ sung.

Vitamin A

Vitamin A có vai trò quan trọng tham gia vào nhiều chức năng trong cơ thể: Tăng cường miễn dịch, tham gia vào chức năng của thị giác, bảo vệ biểu mô... Vitamin A cũng có thể giúp chống lại Propionibacterium acnes (P.acnes), một loại vi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của mụn trứng cá. Một nghiên cứu từ năm 2014 cho thấy, vitamin A có tác dụng phá vỡ một số tác động mà vi khuẩn P. acnes có trên các tế bào da. Hiện nay vitamin A vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu phát hiện thêm những giá trị quan trọng của nó đối với sức khỏe con người.

Nhiều loại thực phẩm khác nhau chứa vitamin A, bao gồm: gan bò, một số loại cá (cá trích, cá hồi và cá ngừ), rau xanh (bao gồm rau bina và bông cải xanh), các loại củ quả màu cam và vàng (khoai lang, cà rốt và bí), các loại trái cây (dưa đỏ, quả mơ và xoài), sản phẩm sữa... Vitamin A cũng có sẵn ở dạng bổ sung bằng thuốc.

Vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và rất cần thiết cho sức khỏe của xương. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong giao tiếp giữa các tế bào thần kinh và khả năng chống lại vi trùng của cơ thể.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy những người bị mụn trứng cá có lượng vitamin D thấp hơn so với những người không có trứng cá. Sự thiếu hụt này là một yếu tố trong sự phát triển của mụn trứng cá.

Theo một nghiên cứu từ năm 2014 , vitamin D cũng ngăn chặn P. acnes ảnh hưởng đến các tế bào da. Kết quả của các nghiên cứu này cho thấy rằng vitamin D có thể có lợi trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa mụn trứng cá, nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về những phát hiện này.

Cơ thể sản xuất vitamin D một cách tự nhiên khi tia cực tím từ mặt trời tiếp xúc với da. Tuy nhiên, một số thực phẩm cũng chứa vitamin D, bao gồm: Cá béo (cá hồi, cá ngừ và cá thu), gan bò, phô mai, trứng, nấm...

Vitamin D cũng có dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng có sẵn trên thị trường.

Những lưu ý...

Đối với những người bị mụn trứng cá nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, D. Không chỉ có sẵn trong thực phẩm, các vitamin và khoáng chất này còn có sẵn dưới dạng bổ sung bằng thuốc hay thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, chỉ bổ sung các dạng này theo chỉ định của bác sĩ, để dùng cho đúng liều lượng, tránh dùng thừa. Vì nếu bổ sung thừa sẽ gây hại. Ví dụ, nếu thừa kẽm sẽ gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy...; thừa vitamin A gây đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, da phát ban đỏ, khô và bong vảy, rụng tóc... hay thừa vitamin D làm tăng canxi huyết và dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, khô miệng, chuột rút, táo bón, buồn nôn, đau cơ, đau xương, mạch máu bị vôi hóa...

Trong trường hợp được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị mụn trứng cá, người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc và tái khám đúng hẹn. Bên cạnh đó, cần chú ý khâu vệ sinh da: Rửa mặt nhẹ nhàng để loại bỏ dầu thừa và tế bào da chết; tắm sau khi tập thể dục hoặc đổ mồ hôi, vì mồ hôi có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông; tránh mặc quần áo chật; lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm phù hợp...


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn