Nhiều người lao động đang mong mỏi được nhận sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định Luật BHXH năm 2014. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, quy trình bàn giao sổ BHXH cho người lao động đã hoàn thành. Việc trả sổ BHXH được thực hiện trong năm 2016 và 2017, trong đó, sổ BHXH của người lao động tham gia sau năm 2008 sẽ được trả trong năm 2016.
Ông Trần Đình Liệu cho biết, cả nước hiện có hơn 13 triệu sổ thẻ BHXH, trong đó có khoảng 1 triệu sổ BHXH thuộc lực lượng vũ trang và công an - nhóm này sẽ có quy chế riêng, thực hiện riêng. Còn lại khoảng hơn 12 triệu sổ thẻ BHXH gồm khoảng 7 triệu sổ BHXH của những người tham gia từ năm 2008 tới nay. Đây là những sổ BHXH theo hình thức mới, cơ sở dữ liệu và công tác rà soát số về cơ bản đã hoàn thành, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện trả sổ BHXH cho người lao động thuộc diện này trong năm 2016.
Riêng với khoảng 5 triệu sổ BHXH ghi thủ công của thời gian trước năm 2008, ông Liệu cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang khẩn trương rà soát kỹ các thông số trước khi trả như nhân thân, thời gian đóng, mức đóng, các điều kiện đóng. Năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện trả nốt cho nhóm 5 triệu sổ này.
Việc trả hồ sơ BHXH được thực hiện trong năm 2016 và 2017. Ảnh: TM
“Việc trả và tiến tới thực hiện quản lý sổ BHXH bằng hệ thống công nghệ thông tin là mong mỏi của người lao động và BHXH Việt Nam trong việc giám sát công tác thực hiện pháp luật BHXH”, ông Trần Đình Liệu nói.
Được biết hiện nay, BHXH Việt Nam đang cập nhật và đồng bộ dữ liệu của 2 nhóm thẻ trên. Mục tiêu đến năm 2020, BHXH Việt Nam đồng loạt thực hiện quản lý sổ BHXH điện tử, người chủ sổ sẽ dễ dàng liệt kê được quá trình đóng - hưởng theo năm, theo quý. Thậm chí, người có thời gian làm việc trước năm 1995 cũng sẽ nắm được thông tin của mình.
Trước vấn đề đặt ra là bên cạnh đa số quan điểm muốn nhận sổ BHXH để tự quản lý, một số ít người lao động lại muốn nhờ chủ sử dụng lao động hoặc một tổ chức trung gian giữ hộ để khỏi mất mát hoặc rách hỏng? Ông Trần Đình Liệu thông tin, về nguyên tắc, người lao động có quyền được nhận và trách nhiệm tự bảo quản sổ BHXH của mình. Còn việc người lao động không thích giữ và uỷ quyền cho tổ chức hay nhóm nào đó giữ hộ cũng là một quyền của họ. Tuy nhiên, người lao động cần phải suy nghĩ thật kỹ khi quyết định.
“Cuốn sổ BHXH có thể coi như là một hình thức sổ tiết kiệm cá nhân. Sổ lưu giữ dữ liệu của người lao động. Nếu cuốn sổ đó bị mất, rách nát hoặc không sử dụng được, người lao động có thể tới cơ quan BHXH để tra cứu quyền lợi”, ông Liệu thông tin
Về thủ tục, BHXH Việt Nam sẽ kết hợp với người sử dụng lao động để trao sổ cho người lao động tại nơi làm việc, trong trường hợp đặc biệt, BHXH Việt Nam sẽ thông qua hệ thống dịch vụ công chuyển sổ BHXH tới nơi ở của người lao động.
Liên quan đến việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động, mới đây, BHXH Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 4027/BHXH-ST hướng dẫn rà soát và bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH.
Theo hướng dẫn này, quy trình rà soát thông tin trên sổ BHXH của người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động phải đảm bảo đầy đủ, chính xác các thông tin về nhân thân; thời gian tham gia BHXH: Quá trình đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp; cấp bậc, chức vụ, chức danh nghề, công việc, tên đơn vị; tiền lương, thâm niên nghề, phụ cấp đóng BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp… Cũng theo BHXH Việt Nam, việc bàn giao chỉ thực hiện sau khi đã rà soát, nhập xong thông tin trên sổ BHXH của người lao động vào cơ sở dữ liệu và đã được nghiệm thu. Cơ quan BHXH phối hợp với đơn vị bàn giao trực tiếp sổ BHXH cho người lao động...