Khoảng 50.000 bệnh nhân lao chưa được phát hiện

19-03-2020 17:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết. Bất cứ bệnh nhân lao nào nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi lên tới hơn 90%.

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm có thêm khoảng 174.000 người mắc lao và có 13.000 người tử vong do lao (bao gồm cả lao/HIV).

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bv Phổi Trung ương, Việt Nam là 1 trong 9 nước đạt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Hệ thống y tế phòng chống lao và bệnh phổi toàn quốc hoạt động có hiệu quả, tỷ lệ điều trị khỏi cho người mới mắc lần đầu đạt trên 92%, đạt tỷ lệ khỏi bệnh cao cho người mắc lao đa kháng thuốc.

Hiện nay, Việt Nam nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc, người bệnh đối mặt với chi phí lớn trong điều trị. Vì vậy lao là một vấn đề ảnh hưởng tới mỗi gia đình. Bên cạnh đó, ý thức chủ động phòng chống và điều trị bệnh của người dân, sự vào cuộc của cộng đồng còn thấp nên bệnh lao vẫn còn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Mỗi năm đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao

Mỗi năm, hệ thống y tế Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị khoảng 105.000 người mắc lao mới nhưng vẫn còn khoảng 50.000 ca mắc mới (tương đương 43%) chưa được phát hiện, báo cáo trong cộng đồng. Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, chính việc không phát hiện kịp thời, phát hiện còn thiếu, vẫn còn nhiều nguồn lây trong cộng đồng nên bệnh lao vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bv Phổi Trung ương

So với dịch bệnh COVID-19 hiện nay, lao không gây tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong, bệnh đã lây sang nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5micro mét, chúng có khả năng thích nghi trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Còn COVID-19 lây khi tiếp xúc với giọt bắn từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên mắt mũi miệng.

Nếu Việt Nam giải quyết được thách thức lớn nhất là phát hiện nhiều nhất, sớm nhất và điều trị kịp thời, từ đó các nguồn lây sẽ dần bớt đi, bệnh lao sẽ dần biến mất, đúng như mục tiêu Việt Nam đã đặt ra, PGS Nhung lý giải. Bên cạnh đó, cần phát hiện những người mắc lao tiềm ẩn, hoặc có nguy cơ cao, điều trị sớm cho họ.

Người bị bệnh lao được miễn phí điều trị

Giám đốc Bv Phổi Trung ương khuyến cáo người dân, nếu có dấu hiệu bệnh lao, hãy đến cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị sớm bệnh lao. Với những người không có thẻ bảo hiểm y tế, Quỹ Hỗ trợ Người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) sẽ hỗ trợ cho họ mua thẻ bảo hiểm. Nếu không may mắc bệnh nặng, quỹ này sẽ hỗ trợ đồng chi trả với  người bệnh. Trong vòng 2 năm qua, gần 2000 người đã được hưởng lợi từ quỹ PASTB.

PGS Nhung khẳng định, những người mắc bệnh lao cần phải được phát hiện và điều trị, kể cả những người nghèo nhất cũng có thể chữa khỏi bệnh lao, "đừng ngần ngại, hãy cùng với chúng tôi".

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, BV Phổi Trung ương- Chương trình chống lao Quốc gia- Quỹ PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:

-Thời gian: Từ 0h ngày 3/3 đến 24h ngày 1/5

-Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402

(20.000đ/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn)

Ngoài ra các tổ chức/cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao

Địa chỉ: Tầng 1, Nhà K, Bv Phổi Trung ương, số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Hành động để chấm dứt bệnh lao

PGS Nhung chia sẻ, ngành y tế đã đề ra Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030, dự kiến sẽ đệ trình lên Thủ tướng phê duyệt gồm các nội dung: Một cam kết, Hai đột phá và Ba vận động.

Cụ thể là Một cam kết chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030 từ cấp Chính phủ, các hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, và tới từng người dân. Hai đột phá, đó là những đột phá về công nghệ (kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán mới, thuốc, phác đồ mới...) và Đột phá về tiếp cận là làm sao những dịch vụ đó đến được với tất cả mọi người. Ba vận động: Vận động cộng đồng, vận đồng tổ chức, vận động quốc tế, làm sao để tất cả mọi người, mọi tổ chức, chính quyền và các tổ chức quốc tế đều vào cuộc.

Những người mắc bệnh lao cần phải được phát hiện và điều trị sớm

Để có thể chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, bên cạnh sự ra đời của Uỷ ban Quốc gia về Chấm dứt bệnh lao vẫn cần một mạng lưới chống lao, đứng đầu là Bệnh viện Phổi Trung ương và đặc biệt cần sự chủ động vào cuộc của toàn thể người dân như công cuộc chống dịch COVID-19 hiện nay.

Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay có chủ đề "Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030". Đây là cơ hội cho tất cả mọi người chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh Lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao.


Hải Yến
Ý kiến của bạn