Cần đẩy nhanh phát hiện và điều trị các ca bệnh lao trong cộng đồng
Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương giống như nhiều quốc gia khác chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng động. Tổ chức y tế thế giới ước tính trong 2 năm 2020-2021 số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây. Việt Nam lại là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện cao nhất trên toàn cầu. Có thể nói, Việt Nam sẽ phải đối mặt với lượng bệnh nhân lao phát hiện mới và cần điều trị hàng năm cao hơn giai đoạn trước dịch.
Theo đó, WHO ước tính tại Việt Nam số lượng bệnh nhân tử vong do lao trong năm 2021 là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, lên đến gần 50%. Trong khi nếu được phát hiện và điều trị, tỷ lệ này chỉ dưới 3%.
Số bệnh nhân tử vong gia tăng là do tăng số bệnh nhân lao không được phát hiện và tồn tại trong cộng đồng. Và những người này lại là nguồn lây làm tăng tỷ lệ bệnh nhân lao mới mắc.
Để đối mặt với những thách thức hiện tại, Chương trình chống lao quốc gia cần tăng cường công tác phát hiện trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế kết hợp với phát hiện thường quy, tăng cường quản lý điều trị, tăng cường xét nghiệm để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, Việt Nam cần đầu tư rất nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị.
Chung quan điểm, bà Kiều Thị Mai Hương, Quản lý chương trình Sức khỏe & An sinh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Việt Nam cần đẩy nhanh phát hiện và điều trị các ca bệnh trong cộng đồng bao gồm cả lao hoạt động và lao tiềm ẩn. Để thực hiện được chiến lược này rất cần đến sự đầu tư tài chính đầy đủ cho các chương trình chống lao tại địa phương và sự chung tay của tất cả cộng đồng.
Ai có nguy cơ mắc lao tiềm ẩn?
Các chuyên gia phòng chống lao cho hay, lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của trực khuẩn gây bệnh lao ở người (MTB) nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng – cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động.
Người có nguy cơ mắc lao tiềm ẩn là những người đã có thời gian tiếp xúc với những người bị bệnh lao phổi. Người mắc lao tiềm ẩn không thể lây sang người khác. Vì vi khuẩn lao trong cơ thể đã bị bất hoạt, không thể sinh sôi. Lượng vi khuẩn có ít không thể lan truyền ra ngoài không khí. Đây cũng là một trong những điều kiện để xác định người mắc lao tiềm ẩn.
Khoảng 1/4 dân số thế giới nhiễm lao tiềm ẩn. Nguy cơ phát triển bệnh lao phụ thuộc một số yếu tố trong đó quan trọng nhất là tình trạng miễn dịch của cơ thể. Điều trị lao tiềm ẩn có thể ngăn ngừa tới 90% nguy cơ phát triển bệnh lao.
Chỉ khoảng 30% số người phơi nhiễm với vi khuẩn lao sẽ bị nhiễm lao, trong số người nhiễm này khoảng 5% sẽ phát triển bệnh lao trong 1-2 năm đầu sau nhiễm; 5%-10% sẽ phát triển bệnh lao sau nhiều năm; 90% sẽ không phát triển bệnh lao
Lao tiềm ẩn không lây truyền vi khuẩn lao cho người khác, tuy nhiên các chuyên gia về bệnh lao nhấn mạnh người mắc lao tiềm ẩn có nguy cơ mắc bệnh lao, nếu hệ miễn dịch bị suy giảm, do đó người mắc lao tiềm ẩn nên được điều trị dự phòng nhằm phòng tránh nguy cơ mắc bệnh lao, bởi có khoảng 5-10% người mắc lao tiềm ẩn sẽ phát triển thành bệnh lao.
Các nhóm đối tượng nguy cơ cần quản lý lao tiềm ẩn
Người tiếp xúc/thường xuyên với bệnh nhân lao phổi gồm:
Trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi
Trẻ trên 5 tuổi tiếp xúc gần với bệnh nhân lao phổi
Cán bộ y tế làm việc tại đơn vị phòng chống lao hoặc cơ sở y tế có bệnh nhân lao đến khám
Cán bộ quản giáo, nhân viên làm việc tại các trại giam, trại giáo dưỡng
Có các yếu tố phát triển từ tăng nguy cơ phát triển từ nhiễm lao thành bệnh lao gồm:
Người nhiễm HIV mọi lứa tuổi;
Bệnh nhân bụi phổi;
Bệnh nhân đái tháo đường;
Bệnh nhân suy thận, chạy thận nhân tạo;
Bệnh nhân cấy ghép tạng, điều trị ức chế miễn dịch;
Người cao tuổi;
Bệnh nhân điều trị thuốc sinh học.