Việt Nam đã rất thành công trong công tác ứng phó với HIV/AIDS
Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: Vài thập kỷ qua, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc giảm số ca nhiễm HIV mới, cũng như đảm bảo rằng những người bị nhiễm bệnh được điều trị theo nhu cầu.
Có bốn điều là minh chứng cho sự thành công trong công tác ứng phó của Việt Nam:
- Về xét nghiệm: Việt Nam đảm bảo mọi người có nhu cầu đều được xét nghiệm HIV thông qua mở rộng các tùy chọn xét nghiệm cho người dân. Tùy thuộc vào nơi sinh sống, người dân có thể đến một địa điểm tại địa phương và sẽ có một tổ chức cộng đồng hỗ trợ làm xét nghiệm. Ở một số khu vực, người dân có thể đặt lịch xét nghiệm trực tuyến thông qua trang web. Như vậy, Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác mở rộng xét nghiệm.
- Trong công tác phòng ngừa ngăn ngừa các ca nhiễm HIV mới, Việt Nam đã rất thành công trong việc nâng cao khả năng tiếp cận các can thiệp phòng ngừa. Đặc biệt là PrEP - dự phòng trước phơi nhiễm, bao gồm một số phương pháp điều trị bằng thuốc cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao để ngăn ngừa tình trạng nhiễm bệnh.
- Nếu không thể phòng ngừa, khi người bệnh bị nhiễm HIV thì cần phải tiến hành điều trị: Ở nội dung này, Việt Nam là một ví dụ điển hình, là hình mẫu cho các nước khác học tập. Cụ thể, hầu hết những người điều trị HIV hiện nay đều được chi trả điều trị thông qua hệ thống bảo hiểm y tế. Đây là một thành công lớn trong ứng phó phòng chống HIV/AIDS.
- Ngoài ra, vai trò của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Đối với HIV, để tiếp cận những người có nguy cơ cao nhất hoặc những người có thể đã nhiễm bệnh, chúng ta cần phối hợp với cộng đồng của họ và đó thực sự là một nội dung tích cực trong công tác ứng phó của Việt Nam, bởi Việt Nam rất đề cao vai trò của các tổ chức cộng đồng.
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay: Thống kê cho thấy, số người nhiễm HIV mới và số tử vong do HIV/AIDS đã giảm rất mạnh. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, mức độ giảm có phần chậm hơn so với những năm trước đây và đang có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh và trong nhóm trẻ.
Vân còn khó khăn cản trở tiến trình kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS
"Mặc dù nước ta đã đạt được những con số ấn tượng trong phòng, chống HIV/AIDS nhưng trong bối cảnh điều kiện về mặt ngân sách còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề xã hội và y tế khác cần phải ưu tiên, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu giải pháp ưu tiên để triển khai phòng chống HIV/AIDS hiệu quả cao nhất, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh.
Để thực hiện thành công các giải pháp trong Chiến lược quốc gia, cần xem xét trên nhiều khía cạnh. Về dịch tễ học, nhóm nguy cơ nhất hiện nay là nhóm trẻ. Trong đó, lây truyền HIV qua đường tình dục, chủ yếu liên quan nhóm người quan hệ tình dục đồng giới là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm HIV tại Việt Nam hiện nay.
Đặc điểm của nhóm quan hệ tình dục đồng giới này là còn rất trẻ, bắt đầu chuyển dịch từ môi trường gia đình sang các môi trường đa dạng của xã hội. Sau khi rời ghế nhà trường, họ đến các cơ sở giáo dục tại các thành phố lớn, hoặc đi làm công nhân trong các khu công nghiệp...
Điều này tức là đã có sự chuyển dịch về mặt dân số trẻ từ các vùng nông thôn đến các thành thị. Việc chuyển dịch này kèm theo các nguy cơ, trong đó có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Đây là thách thức lớn, cần có các giải pháp, chiến lược để bảo vệ những nhóm người này không bị lây nhiễm HIV, ngăn chặn lây truyền HIV trong quan hệ tình dục đồng giới.
ThS.BS Võ Hải Sơn chia sẻ thêm, trong khoảng 230.000 người được phát hiện và biết tình trạng HIV, chỉ khoảng 190.000 người là tham gia điều trị. Còn khoảng 40.000 là chưa chủ động tham gia điều trị.
Có nhiều lý do để người nhiễm HIV trì hoãn điều trị, như bản thân người bệnh nhận thức chưa đúng và không đầy đủ, cho rằng bản thân cảm thấy khỏe mạnh, không cần điều trị. Bên cạnh đó, những người nhiễm HIV mang tâm lý mặc cảm, e ngại và xã hội cũng chưa cởi mở, từ bỏ kỳ thị phân biệt với người nhiễm HIV cũng là một rào cản...
Về chiến lược dự phòng, trong năm 2024, khoảng hơn 70.000 người đã tiếp cận dự phòng HIV bằng thuốc ARV. Tuy nhiên, theo ước tính, cần khoảng 400.000 người cần tiếp cận các dịch vụ dự phòng mới có thể ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm HIV mới. Đồng thời, chương trình dự phòng đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng và đảm bảo các nguyên tắc uống thuốc đúng và đều... cũng là một thách thức lớn trong thực hiện Chiến lược quốc gia.
Nhiều giải pháp hiệu quả được đưa ra
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, có những giải pháp về mặt kỹ thuật Việt Nam đã và đang áp dụng, đem lại hiệu quả rất lớn.
- Lấy điều trị làm dự phòng: Điều này nghĩa là những người nhiễm HIV cần được điều trị sớm và điều trị đạt được ngưỡng không phát hiện tải lượng virus trong máu để đảm bảo không còn khả năng lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục.
Để làm được điều này, phải đa dạng hóa các cái mô hình xét nghiệm HIV, phát hiện sớm và điều trị sớm người nhiễm HIV. Dịch HIV không dễ dàng phát hiện trong 5-7 ngày sau khi mắc, mà thậm chí 5-7 năm sau người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng. Vì vậy, không thể chờ bệnh nhân tới các cơ sở y tế mà phải làm sớm, tiếp cận sớm và xét nghiệm sớm. Việc triển khai đa dạng các cái mô hình ưu tiên phát hiện tìm ca nhiễm HIV, mô hình về tư vấn xét nghiệm HIV... đem lại hiệu quả cao.
- Dự phòng cho người nguy cơ cao lây nhiễm HIV: Một giải pháp cũng đang được triển khai hiệu quả là xét nghiệm cho bạn tình bạn chích của người nhiễm HIV. Thông qua người nghiện ma tuý, người có nguy cơ cao, các nhân viên tư vấn để họ giới thiệu những người trong cùng mạng lưới có nguy cơ hoặc có quan hệ tình dục với họ đến để xét nghiệm HIV.
- Đảm bảo tính dễ tiếp cận của dịch vụ phòng chống HIV/AIDS: Mô hình xét nghiệm HIV online có thể tự đánh giá nguy cơ nhiễm HIV và nhận test tự xét nghiệm HIV chính xác, tiện lợi, an toàn, tính bảo mật cao và hoàn toàn miễn phí.
- Đẩy mạnh nâng cao chất lượng điều trị, giảm kỳ thị phân biệt đối xử, xây dựng các mô hình dịch vụ để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV dễ tiếp cận, đồng thời tăng cường nhận thức để người bệnh hiểu rõ vai trò của tuân thủ điều trị.
Ngoài ra, các yếu tố về nguồn lực và tài chính cũng đóng vai trò quan trọng để thực hiện Chiến lược.