Đã từ lâu rất nhiều người cho rằng, trong điều trị bệnh, chỉ có thuốc men và "kỹ thuật cao" là có thể giải quyết tất cả. Và dinh dưỡng chỉ là một hoạt động ăn uống bình thường như mọi hoạt động khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dinh dưỡng cho người bệnh cũng là một điều trị. Vì vậy, trong tổ chức bệnh viện có hẳn một đơn vị chuyên về dinh dưỡng cho người bệnh mà chuyên môn gọi là khoa tiết chế dinh dưỡng.
Chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM - HoSpen, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam – VietSpen cho biết, thực trạng dinh dưỡng cho người bệnh ở các bệnh viện Việt Nam rất đáng báo động.
Cụ thể, theo thống kê từ nhiều bệnh viện trong nước, suy dinh dưỡng bệnh nhân trong bệnh viện chiếm 40-50%. Suy dinh dưỡng làm người bệnh yếu sức, vết mổ lâu lành, chậm hồi phục bệnh, kéo dài thở máy ở bệnh nhân hồi sức và tăng nguy cơ tử vong.
Thực tế cho thấy, chế độ ăn cho người bệnh hiện là tự túc. Do vậy, người nhà bệnh nhân có thể mua thức ăn đường phố bên ngoài bệnh viện, không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc người nhà tự nấu và đem vào bệnh viện để nuôi dưỡng người bệnh, gây thiếu hụt năng lượng, protid. lipid…, gây suy dinh dưỡng, suy kiệt nặng.
TS.BS Lưu Ngân Tâm minh chứng bằng một ca bệnh cụ thể. Mới đây, bác sĩ Tâm hội chẩn cho một bệnh nhân của một bệnh viện lớn trong TP.HCM. Bệnh nhân khó cai máy thở, suy kiệt nặng và thường hay bị hạ đường máu. Người bệnh thở máy, được điều trị 1 tháng do viêm phổi, đái tháo đường, suy kiệt nặng, cân nặng còn 40kg (so với lúc bình thường 50kg).
Hàng ngày, người bệnh được nuôi dưỡng qua ống thông với 1500ml súp xay nhuyễn do người nhà tự nấu. Qua khai thác người nhà bệnh nhân, súp xay được nấu với thành phần là: lượng gạo trắng bằng 1 nắm tay (khoảng 30gr, cung cấp 100kcal, 2gr protid), 100gr thịt nạc (140kcal, 19gr protid); 1 củ khoai tây 50gr (50kcal, 1gr protid), 1 củ cà rốt và muối.
Theo TS.BS Lưu Ngân Tâm, tổng năng lượng (calorie) từ 1500ml súp xay nhuyễn do người nhà nấu trên chỉ cung cấp được 300kcal và 22gr protid. Trong khi đó, nhu cầu của người bệnh phải được nhận là 1500kcal và 75gr protid. Như vậy, người bệnh đã bị thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, cụ thể là thiếu năng lượng, thiếu protid… dẫn đến thường xuyên bị hạ đường huyết, teo cơ, suy kiệt và suy giảm chức năng miễn dịch, yếu cơ, dẫn đến khó cai máy thở. Điều đó cho thấy, chế độ ăn thông thường sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh như đã nêu ở trên.
Cũng theo TS.BS Lưu Ngân Tâm, nếu như dinh dưỡng cho người khỏe mạnh là chế độ ăn thông thường, cung cấp năng lượng (calorie), protid, lipid, glucid… để duy trì sự sống, phát triển, hoạt động thể chất… thì dinh dưỡng cho người bệnh là chế độ ăn bệnh lý.
Chế độ ăn bệnh lý là chế độ ăn được xây dựng và có kiểm soát theo tình trạng bệnh lý của người bệnh. Chế độ ăn bệnh lý không chỉ phải có tỉ lệ glucid, lipid, protid phù hợp với bệnh lý, mà cấu trúc thức ăn phải phù hợp với khả năng nhai, nuốt, tiêu hóa hấp thu (đặc, lỏng, xay nhuyễn…) của người bệnh. Đồng thời thức ăn cũng phải được chọn đúng để điều chỉnh rối loạn chuyển hóa. Cụ thể như, gạo lức cho bệnh đái tháo đường không làm tăng đường huyết; lòng trắng trứng để tăng đạm máu; chọn thức ăn ít muối để giảm phù thũng... giúp duy trì sự sống, ngăn ngừa suy dinh dưỡng, giảm thiểu biến chứng do rối loạn chuyển hóa (trong bệnh tiểu đường, suy thận, xơ gan…), tăng khả năng hồi phục bệnh.
Chính vì vậy, theo TS.BS Lưu Ngân Tâm, dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là thiết yếu, là điều trị người bệnh. Người bệnh cần được nuôi dưỡng, được chỉ định chế độ ăn phù hợp bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng, để phòng ngừa suy dinh dưỡng, giảm biến chứng, tăng hồi phục.
Được biết, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện" tại Quyết định số 2879 /QĐ-BYT ngày 10/8/2006. Đây là tài liệu hướng dẫn về xây dựng chế độ ăn cho người bệnh phù hợp bệnh lý, được áp dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc. Trong quyết định ghi các nguyên tắc chế độ ăn bệnh lý, ký hiệu (mã số) về chế độ ăn.
Từ đó, hơn 15 năm qua, người bệnh trong các bệnh viện đã được chỉ định chế độ ăn bằng mã số trong hồ sơ bệnh án. Cụ thể là: DD01- cơm, theo bệnh lý đái tháo đường; TN07- cháo, theo bệnh lý suy thận mạn; VT02- cháo, cho bệnh nhân viêm tụy cấp nặng, thở máy được điều trị hồi sức cấp cứu và được truyền qua ống thông mũi dạ dày … Chế độ ăn bệnh lý được xây dựng, kiểm soát bởi khoa Dinh dưỡng và được cung cấp bởi bếp ăn tiết chế của bệnh viện dưới sự kiểm tra, giám sát của khoa Dinh dưỡng.
Trên thế giới, từ rất lâu việc chỉ định chế độ ăn phù hợp bệnh lý đã được áp dụng tại các bệnh viện. Hàng ngày, sau khi có chỉ định chế độ ăn của bác sĩ điều trị, tổng hợp các chế độ ăn và giám sát bởi khoa Dinh dưỡng, suất ăn được nấu tại bếp ăn tiết chế trong bệnh viện, theo thực đơn bệnh lý của khoa Dinh dưỡng và cung cấp cho người bệnh để điều trị.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong khám bệnh, chữa bệnh, TS.BS Lưu Ngân Tâm cho hay: "Ở nước ta, người bệnh nằm viện cần được chỉ định, cung cấp chế độ ăn phù hợp bệnh lý và tình trạng dinh dưỡng và theo dõi để điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp".