Hà Nội

Khoảng 30.000 người bệnh suy thận tại Việt Nam cần lọc máu

24-10-2020 19:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, bệnh thận là bệnh lý thầm lặng thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Tại Việt Nam, ước có khoảng 30.000 người bệnh suy thận cần lọc máu. Cả nước hiện có 5.126 máy thận nhân tạo với hơn 400 đơn vị lọc máu và khoảng 2000 người suy thận được điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng. Với điều kiện trang thiết bị hiện có, hiện mới đáp ứng 30% nhu cầu điều trị lọc máu

Bệnh suy thận giai đoạn cuối không ngừng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam do gia tăng bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn sớm.

Theo báo cáo của Hội Lọc máu Việt Nam, bệnh thận là bệnh lý thầm lặng thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Tại Việt Nam, ước có khoảng 30.000 người bệnh suy thận cần lọc máu. Cả nước hiện có 5.126 máy thận nhân tạo với hơn 400  đơn vị lọc máu và khoảng 2000 người suy thận được điều trị bằng phương pháp lọc màng bụng. Với điều kiện trang thiết bị hiện có, hiện mới đáp ứng 30% nhu cầu điều trị lọc máu.

Thông tin trên được đưa ra tại Đại hội đại biểu Hội Lọc máu Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội ngày 24/10. Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị thận nhân tạo, bác sĩ chuyên ngành thận nhân tạo  tại 63 tỉnh, thành phố tham dự.

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết lọc máu lần đầu tiên được mô tả và thực hiện năm 1913 cho bệnh nhân suy thận cấp, cho đến nay đã trải qua hơn một thế kỷ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Đại hội

Tại Việt Nam, lọc máu được thực hiện lần đầu tiên năm 1972 tại Bệnh viện Bạch Mai. Trong thời kỳ đầu, do sự khó khăn của kinh tế, lọc máu chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, đến nay hệ thống cơ sở lọc máu được hình thành rộng khắp cả nước, từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh thậm chí đến các tuyến quận, huyện.

Hiện cả nước có hơn 430 đơn vị thận nhân tạo, trên 5.000 máy thận và nhiều cơ sở lọc màng bụng với 500 bác sĩ và trên 5.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên lọc máu.

Theo Thứ trưởng, bệnh suy thận giai đoạn cuối không ngừng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt nam do gia tăng bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp. Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 30.000 bệnh nhân lọc máu, chiếm 0,031% dân số.

“Dự kiến, số lượng người bệnh có nhu cầu lọc máu sẽ gia tăng trong những năm tới, đòi hỏi cả xã hội phải chung tay, ngành lọc máu phải mở rộng và phát triển hơn nữa”- thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Bệnh thận mạn hiện là một gánh nặng toàn cầu và chưa được đánh giá đầy đủ. Hầu hết mọi người đã không nhận biết được đang trong tình trạng suy giảm chức năng thận. Bệnh thận mạn là một “bệnh lý thầm lặng” thường không có biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn sớm của bệnh. Người bệnh đã không biết rằng họ đang sống với những nguy cơ không chỉ với điều trị thay thế thận mà còn với các nguy cơ tim mạch, nhiễm khuẩn và nhập viện nội trú cao.

Ước tính đến năm 2018, có hơn 850 triệu người trên thế giới mắc bệnh thận mạn, một nửa trong số họ có bệnh đái tháo đường (422 triệu) và cao hơn 20 lần so với các bệnh lý như ung thư (42 triệu), HIV/AIDS (36.7 triệu). Do đó, bệnh thận mạn là bệnh lý phổ biến, tỷ lệ ước tính là 10% ở nam và gần 12% ở nữ. Trong đó có khoảng 5,3 đến 10,5 triệu người dang điều trị bằng các phương pháp điều trị thay thế thận.

Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, lọc máu tại Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại như các nghiên cứu về mục tiêu điều trị còn nhiều hạn chế, chưa có sự tham gia của các chuyên ngành dinh dưỡng, tâm lý học… Ngoài ra, chi trả bảo hiểm y tế cho lọc máu hiện tại là thấp. Việt Nam là một trong những nước có chi trả thấp nhất thế giới. Với chi phí điều trị thấp, các mục tiêu điều trị trở nên khó đạt được…

Hiện tại, mô hình lọc máu tại Việt Nam chủ yếu thực hiện trong bệnh viện,không có các trung tâm lọc máu độc lập, không có mô hình lọc máu tại nhà, bệnh nhân thận nhân tạo chưa thuận lợi trong tiếp cận các cơ sở điều trị; nhiều nơi, lọc máu ( chạy thận nhân tạo) chỉ là một phần của Khoa Hồi sức hoặc Khoa Thận tiết niệu. Thực tế đó khiến các quy trình bảo hành, bảo trì máy móc, trang thiệt bị chưa được thực hiện đầy đủ; bác sĩ, điều dưỡng kiêm nhiệm không tập trung cho chuyên khoa lọc máu, có thể la yếu tố gây nên sự cố trong quá trình điều trị...

 

Xuất phát từ tình hình đó cần thành lập một tổ chức hội nghề nghệp của những người làm việc trong chuyên ngành lọc máu. Hội lọc máu Việt Nam ra đời, là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp đại diện cho gần 6.000 cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực lọc máu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lọc máu cũng như phát triển chuyên ngành lọc máu.

Hội Lọc máu Việt Nam được thành lập theo quyết định 551 ngày 4/8/2020 của Bộ Nội vụ. Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Lọc máu Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành gồm 99 thành viên là các bác sĩ chuyên ngành về lọc máu tại các đơn vị y tế trên cả nước. TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) là Chủ tịch Hội. Hội Lọc máu Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, tập huấn, hội thảo khoa học, hợp tác quốc tế; tham gia xây dựng mô hình lọc máu mới; hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị lọc máu tại địa phương...

 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn