Hà Nội

Khoảng 300 bác sĩ Mỹ tự tử mỗi năm

07-03-2015 15:37 | Quốc tế
google news

Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 300 bác sĩ tự vẫn. 9/10 bác sĩ khuyên mọi người không nên dấn thân vào nghề này. Tại sao người ta nói bác sĩ là nghề khốn khổ nhất?

Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 300 bác sĩ tự tử. Đây là nghề có số người tự tử cao hàng thứ hai. Sự chán nản, tuyệt vọng trong đội ngũ những người mặc áo blue không phải là điều mới, đặc biệt là với những bác sĩ nổi tiếng.

Nói một cách đơn giản, làm bác sĩ là một nhiệm vụ khổ sở và bẽ bàng. Quả thực, nhiều bác sĩ cho rằng nước Mỹ đã khai chiến với giới bác sĩ mà trong cuộc chiến này, cả bác sĩ và bệnh nhân đều là người thua cuộc.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ở Mỹ, nhiều bác sĩ bỏ nghề. Các sinh viên y khoa thì chọn những chuyên khoa thu nhập cao để có thể nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Trong khi đó, các chương trình đào tạo thạc sĩ y khoa, cấp học hứa hẹn mở ra con đường trở thành quản lí, lại rất đông đúc. Các bác sĩ hoang mang, chán nản tới mức cứ 10 người thì 9 người khuyên bạn bè, người thân không nên dấn thân vào ngành y.

Những người ngoài ngành khó mà hiểu được những bức bối của cán bộ ngành y. Có lẽ đó là lí do tác giả Malcolm Gladwell cho rằng, trước khi chỉ trích các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện, công luận cần phải hiểu rõ hơn thế nào là một bác sĩ. Ngày nay, yêu cầu thông cảm với bác sĩ dường như là đòi hỏi quá nhiều trong quỹ thời gian không – có - chỗ - cho - sự - cảm - thông của mỗi chúng ta.

Xét cho cùng, công chúng thấy bác sĩ nhãn khoa và bác sĩ X quang khám bệnh như... người máy và đó là lí do vì sao phần lớn bệnh nhân cảm thấy bất bình với họ. Tuy nhiên, là bác sĩ điều trị không giống với một bác sĩ phẫu thuật tạo hình – một nghề có được cả sự kính trọng lẫn thu nhập cao. Nói cách khác, các bác sĩ điều trị ban đầu phải làm những việc mà không ai muốn làm, họ giống như những người giữ nhà và không có địa vị trong xã hội hay sự bảo vệ của hiệp hội nghề nghiệp.

Thật tiếc là mọi việc ngày càng tồi tệ, đặc biệt là với các bác sĩ điều trị bệnh nhân diện bảo hiểm y tế. Theo tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Stephen Schimpff - bác sĩ nội khoa, cựu Giám đốc điều hành Trung tâm y tế của Đại học Maryland thì khi khám cho mỗi bệnh nhân có bảo hiểm y tế, bác sĩ sẽ được 58 USD. Vì vậy, các bác sĩ cố gắng khám càng nhiều bệnh nhân càng tốt. Kết quả là, thời gian trung bình của mỗi cuộc thăm khám chỉ khoảng 12 phút.

Cả bác sĩ và bệnh nhân đều chẳng vui vẻ gì trước thực trạng này. Trên thực tế, khó khăn trong việc đối phó với các công ti bảo hiểm khiến nhiều bác sĩ phải đóng cửa phòng mạch của mình và trở thành người làm thuê. Nhưng với bệnh nhân thì việc đến gặp một bác sĩ đi làm thuê cũng không được khám kĩ hơn bác sĩ mở phòng mạch. Mỗi ngày các bác sĩ phụ trách chăm sóc sức khỏe ban đầu phải khám cho 24 bệnh nhân trở lên, một con số quá lớn để có thể thăm khám kĩ càng.

Rất nhiều bệnh nhân phải chịu đựng các cuộc thăm khám bệnh qua loa, vội vã của bác sĩ, đó là lí do vì sao mọi người mất niềm tin với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Giáo sư Schimpff cho biết: “Các bác sĩ luôn vội vã, thậm chí chẳng có thời gian để nghe bệnh nhân kể triệu chứng. Vì thế, bệnh nhân có xu hướng thích đến gặp các bác sĩ chuyên khoa hơn, nơi những vấn đề của họ được giải quyết triệt để trong một cuộc thăm khám kĩ càng”. Tuy nhiên, mặc dù các bác sĩ chuyên khoa ngày càng được ưa chuộng, nhưng vì quỹ thời gian có hạn nên họ cũng chỉ kê đơn dựa trên những chỉ định y khoa chung chung thay vì căn cứ vào từng bệnh cảnh. Và việc áp dụng những chỉ dẫn chung một cách máy móc có thể dẫn đến những hậu quả xấu.

Thế nhưng các bác sĩ vẫn phải tiếp tục công việc, vẫn phải bền bỉ cố gắng chứng minh “năng suất” khám bệnh của mình và tỉ lệ hài lòng của bệnh nhân, nếu không họ sẽ có nguy cơ mất việc. Những người quản lí thì chú trọng vào sự hài lòng của bệnh nhân nhưng lại lờ đi thực tế rằng, sự hài lòng của bệnh nhân đồng nghĩa với số lượng người được khám giảm và chi phí tăng. Chưa kể, việc cố gắng làm hài lòng bệnh nhân đôi khi làm ảnh hưởng đến lương tâm nghề nghiệp của bác sĩ như trường hợp bệnh nhân yêu cầu thêm thuốc giảm đau, chụp X quang... Nhất là hiện nay ở Mỹ, tiền lương của bác sĩ phụ thuộc vào mức độ hài lòng của bệnh nhân, điều này càng tồi tệ.

Rất nhiều người đang nỗ lực để giải quyết những chỉ trích đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhưng giải pháp mà họ phải đối mặt sẽ là nâng giá chi phí khám bệnh và đuổi việc một số bác sĩ. Vậy liệu có phải quá nhiều nếu yêu cầu sự thông cảm của cộng đồng với những người mặc áo blue?

 

 


Ý kiến của bạn