Đó là các thông tin được đề cập tại hội nghị tập huấn chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần do Bệnh viện Tuệ Tĩnh và Hội Hậu môn trực tràng tổ chức hôm nay (23/4) tại Hà Nội.
Bệnh trĩ ngày càng trẻ hoá, 17-18 tuổi đã mắc
Theo PGS.TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, số người mắc bệnh trĩ ở nước ta ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hoá.
"Trước đây chúng ta thường gặp bệnh trĩ ở những người trên ba mươi tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi mắc đang có xu hướng trẻ hoá. Chúng tôi đã gặp những người 17- 18 tuổi, thậm chí 14-15 tuổi đã mắc bệnh trĩ.
Nguyên nhân do hiện nay môi trường thay đổi, nhiều người sử dụng đồ ăn nhanh, ăn nhiều đồ cay nóng, đặc biệt là sử dụng điện thoại nhiều, ngồi lâu, lười vận động, khiến đường đi của chất đào thải không theo chu trình..."- PGS.TS Lê Mạnh Cường nói.
Tuy nhiên theo PGS.TS Lê Mạnh Cường, mặc dù là bệnh phổ biến, nhưng nhiều người vẫn ngại đi khám, thay vào đó là tìm đến các biện pháp không chính thống, sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, được bán trên mạng, dẫn đến viêm nhiễm, hoại tử, phải mổ cấp cứu ngay sau khi nhập viện. Trong khi đó, nếu điều trị sớm, chỉ cần dùng thuốc uống hoặc thuốc bôi.
"Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hoại tử búi trĩ vì tự ý dùng thuốc bôi. Các trường hợp này chúng tôi thường phải phẫu thuật cấp cứu. Người dân tuyệt đối không được điều trị theo các phương pháp truyền miệng không chính thống trên mạng xã hội- PGS.TS Lê Mạnh Cường khuyến cáo.
Kết hợp y học cổ truyền và hiện đại mang lại nhiều hiệu quả điều trị bệnh trĩ
Theo Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, với các phương pháp điều trị trĩ, hiện kết hợp y học cổ truyền và hiện đại điều trị mang lại nhiều hiệu quả. Mới nhất, việc điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần bắt đầu được áp dụng và Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị đầu tiên ở nước ta được chuyển giao.
Điều trị bằng sóng cao tần được sử dụng phổ biến trên thế giới, điều trị nhiều loại bệnh khác như từ u gan, u phổi, u thận, u xương, u phần mềm, u tuyến giáp, u tuyến tiền liệt. Sóng cao tần cũng được ứng dụng điều trị bệnh trĩ.
"Đây là giải pháp mới, ít xâm lấn, ít can thiệp, mang lại ưu điểm, giảm tác dụng không mong muốn, hạn chế đau, tai biến, thời gian hồi phục nhanh.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ định điều trị với người mắc trĩ giai đoạn nặng, hoặc điều trị bằng phương pháp khác như không mang lại hiệu quả"- PGS.TS Lê Mạnh Cường cho hay.
Chia sẻ thêm về phương pháp điều trị trĩ bằng sóng cao tần, chuyên gia đến từ Mông Cổ bày tỏ: Hôm nay, chúng tôi chuyển giao kỹ thuật điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh.
Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân trĩ độ 4 trở lên hoặc những trường hợp đã sử dụng thuốc mà không khỏi. Ưu điểm của sóng cao tần là xâm lấn tối thiểu, bảo toàn được chức năng của cơ quan được điều trị. Kỹ thuật này khi được phối hợp với các bài thuốc y học cổ truyền thì hiệu quả càng tốt hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa bệnh trĩ, nên hình thành thói quen đứng dậy đi lại 5-10 phút sau khi đã ngồi 30 - 60phút, lấy nước uống và thư giãn. Điều này sẽ thúc đẩy máu đi khắp cơ thể.
Đặc biệt, những người làm việc trí óc cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress, uống đủ nước, tránh thức khuya, hạn chế chất kích thích, đồ cay nóng; Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, duy trì chế độ vận động phù hợp.
"Nếu có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, chảy máu và đau đớn khi đại tiện thì cần đi khám ngay"- PGS.TS Lê Mạnh Cường nhấn mạnh.
Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh trĩ
Do chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học, số lượng người mắc bệnh trĩ ngày càng gia tăng. Trước đây, bệnh trĩ gặp nhiều ở những người có độ tuổi ngoài 30, nhưng trong những năm gần đây căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, ngay cả những học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường cũng mắc phải căn bệnh này.
Những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh trĩ gồm:
- Táo bón hoặc tiêu chảy sẽ làm tăng tần suất bệnh trĩ, rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch, gây căng giãn và ứ máu.
- Chế độ ăn ít chất xơ.
- Thừa cân và béo phì.
- Những người thường xuyên lao động nặng như khuân vác, vận động viên cử tạ, quần vợt... những người hay đứng lâu, ngồi nhiều như thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng… sẽ làm gia tăng áp lực ổ bụng, cản trở sự hồi lưu máu về tim, dẫn đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
- U vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung hoặc khi mang thai nhiều tháng sẽ làm cản trở hồi lưu máu về tim gây giãn tĩnh mạch.