Khoảng 15% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất trong tháng 3/2020

23-03-2020 12:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 1 và 2/2020, cả nước có khoảng 10% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và tỷ lệ này tăng lên khoảng 15% trong tháng 3. Doanh nghiệp giảm quy mô dẫn đến số lượng lao động mất việc, giãn việc mỗi ngày một tăng.

Chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, số người thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng 1/2020 (30.000 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 3/2020, số người bị mất việc làm sẽ tăng ít nhất 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nếu dịch COVID-19 được khống chế, số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm của cả nước trong tháng 3 dao động 132.000-220.000 người; nếu dịch COVID-19 diễn biến như hiện nay, con số này sẽ là 440.000-880.000 người...

Các ngành, nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là dệt may, vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống…

Lượng khách đi tàu đã giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Với ngành dệt may, các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật.

Dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500 nghìn lao động đang làm việc. Trong đó, vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20%-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Do vậy, tình hình dịch bệnh kéo dài, nguy cơ hàng nghìn lao động thuộc ngành này cũng sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500 nghìn lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh.

Thị trường xuất khẩu hàng nông - thủy sản bị tác động mạnh. Hầu hết các sản phẩm trái cây tươi như thanh long, dưa hấu và các sản phẩm thủy - hải sản tồn đọng do thị trường Trung Quốc ngưng tiêu thụ. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống và công ăn việc làm của hàng nghìn nông dân và công nhân ngành nông nghiệp và thủy - hải sản.

Theo báo cáo của các địa phương, do bị tác động bởi COVID-19, hàng chục nghìn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh, chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Việc đóng cửa tạm thời vũ trường, quán bar; trung tâm di tích, lịch sử; khu vui chơi, giải trí; cơ sở kinh doanh karaoke, massage, chơi game, rạp chiếu phim… cũng được các địa phương áp dụng để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Quy định này đã buộc các cơ sở trên phải cho nhân viên ngưng việc tạm thời. Theo tính toán sơ bộ, số lao động bị ngừng việc từ những cơ sở này cũng phải lên tới hàng chục nghìn người.

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, nhu cầu tuyển lao động ở tất cả các địa phương đều giảm so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mức độ giảm dao động từ 20-30%, TP. Hà Nội giảm 36,7%, TP.HCM giảm mạnh tới 40%.


HB
Ý kiến của bạn