Khoảng 10-15% dân số mắc viêm gan virus - Hiểu đúng để phòng hệ lụy

30-06-2021 14:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nước ta là một trong những nước có tỷ lệ viêm gan virus rất cao trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ viêm gan virus ở nước ta chiếm khoảng 10-15% dân số.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam - Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai tại chương trình Truyền hình trực tuyến với chủ đề: "Hiểu đúng bệnh viêm gan virus” do Báo Suckhoedoisong.vn tổ chức.

Người bị mắc viêm gan virus tuyệt đối không theo quan niệm "ăn gì bổ nấy"

Viêm gan virus với đặc tính là diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng vì thế nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại những hậu quả nặng nề như xơ gan, ung thư gan...

Có nhiều loại virus gây viêm gan, phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E, G. Bên cạnh đó còn có một số loại virus khác như MV, EBV, virus herpes…trong đó, viêm gan virus B và C là được quan tâm rất nhiều nhất ở nước ta hiện nay.

Cũng theo PGS Ngọc, viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ 3 gây tử vong và đây cũng là gánh nặng bệnh tật rất lớn tại Việt Nam. Mặc dù đã có phác đồ điều trị và vắc xin phòng bệnh nhưng viêm gan B vẫn đang còn là gánh nặng cho ngành y tế và người bệnh vì bệnh cần phải theo dõi và điều trị suốt đời.

Với viêm gan C cũng diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm Viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của mình.

Tại Việt Nam, tỷ lệ viêm gan B cao hơn so với viêm gan C nên hầu hết người dân chỉ đi làm xét nghiệm virus viêm gan B mà bỏ qua xét nghiệm virus viêm gan C. Đây chính là lý do còn rất nhiều người trong cộng đồng chưa được tầm soát bệnh viêm gan đầy đủ.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam - Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai.

Vì vậy, theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc ngoài việc khám định kỳ, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt khoa học. Đối với những bệnh nhân viêm gan virus, thậm chí cả bệnh nhân đang điều trị nội trú, có men gan rất cao, cần ăn thức ăn dễ tiêu (cá, tôm...), nhiều rau, uống nước cam, chanh. Tuyệt đối không theo quan niệm "ăn gì bổ nấy".

Với những bệnh nhân không phải điều trị nội trú nên ăn nhiều rau, ăn thức ăn dễ tiêu hạn chế đồ chiên, rán, xào. Việc ăn nhiều đồ mỡ làm tăng gánh nặng cho gan, có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, sẽ khiến tổn thương gan nặng hơn. Tránh ăn đồ an đun lại nhiều lần, thức ăn ôi thiu... PGS.TS Trịnh Thị Ngọc nhấn mạnh.

Bệnh nhân cần kiên trì điều trị, không tự ý ngừng thuốc

Chia sẻ những băn khoăn của độc giả về vấn đề bổ sung dược liệu có chức năng hỗ trợ giải độc gan, giúp bảo vệ gan, tăng cường chức năng gan trong đó có nấm linh chi, hà thủ ô đỏ...PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho rằng: Những dược liệu này có thể hỗ trợ cho những trường hợp mắc viêm gan virus nhằm cải tạo tế bào gan. Nấm linh chi có khả năng kích thích sản xuất ra các interleukin, giúp tăng cường chuyển hóa cho gan, cải thiện chức năng của gan...

Hà thủ ô cũng có những thành phần hỗ trợ giúp tăng cường chuyển hóa ở gan tốt hơn. Cỏ nhọ nồi cũng có thể giúp tăng cường thải độc gan. Nhân trần, actiso cũng có thể tăng cường tiết mật giúp chuyển hóa ở gan tốt hơn...

Tuy nhiên, việc dùng nấm linh chi, hà thủ ô để bổ sung... cũng cần phải cân nhắc và tuỳ thuộc vào thể trạng của cơ thể và diễn tiến của bệnh, không dùng tràn lan, tuỳ tiện...

Viêm gan virus vdiễn ra âm thầm không phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến xơ gan, ung thư gan...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, các loại dược liệu ở nước ta rất nhiều, tránh để các loại dược liệu này bị nhiễm các tạp chất vì có thể gây độc cho gan hoặc sơ chế không đúng thì hiệu quả không cao. Do đó người dùng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, hiện nay có nhiều chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, giúp bệnh nhân có thể sử dụng dễ dàng.

Cũng theo các chuyên gia, việc sử dụng bổ sung các thảo dược cần thận trọng, uống bao nhiêu, liều lượng thế nào, thời gian uống dài hay ngắn... để phù hợp với từng thể trạng mới hiệu quả... Nếu dùng sai cách có thể sẽ không tốt cho sức khoẻ thậm chí ảnh hưởng đến gan thận... vì vậy, khi dùng cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia có uy tín.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cũng khuyến cáo, với những người đã điều trị viêm gan virus cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không tự ý ngừng điều trị. Điều này nguy hiểm hơn là chưa điều trị. Việc ngừng điều trị khiến virus bùng phát. men gan tăng cao, đặc biệt với những người cao tuổi. Nhiều bệnh nhân tự ngừng điều trị có thể bị suy gan cấp, hôn mê gan, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân cần kiên trì điều trị, tuyệt đối không được uống các loại thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh những mối nguy có thể xảy ra cho sức khỏe, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc nói.


K. Mai
Ý kiến của bạn