Tác giả nghiên cứu Jaimie Steinmetz, chuyên gia tại Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) ở Seattle (Mỹ), cho biết: "Với những động lực chính giúp con người sống lâu hơn và dân số thế giới ngày càng tăng, chúng ta cần dự đoán những gánh nặng đối với hệ thống y tế ở hầu hết các quốc gia".
"Hiện chưa có biện pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh viêm xương khớp, vì vậy điều quan trọng là chúng ta cần tập trung vào các chiến lược phòng ngừa, can thiệp sớm và làm sao để các phương pháp điều trị hiệu quả, đắt tiền như thay khớp sẽ có giá thành phải chăng hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình" - Jaimie Steinmetz cho biết thêm.
Nghiên cứu này là một phần của Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2021 và sử dụng dữ liệu về viêm xương khớp trong 30 năm, từ 1990 đến 2020, tại hơn 200 quốc gia.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, số bệnh nhân viêm xương khớp tăng nhanh trong ba thập kỷ qua do già hóa, gia tăng dân số và béo phì. Cụ thể, có khoảng 256 triệu người bị viêm xương khớp vào năm 1990, thì con số này đã tăng lên 595 triệu người vào năm 2020, tăng 132%.
Nghiên cứu cũng cho thấy béo phì là nguyên nhân gây ra khoảng 20% tình trạng tàn tật do viêm xương khớp vào năm 2020.
Đối với những người từ 70 tuổi trở lên, viêm xương khớp đứng hàng thứ bảy trong số các nguyên nhân khiến họ phải sống chung với tình trạng tàn tật trong nhiều năm.
Ước tính đến năm 2050, viêm xương khớp sẽ tăng lên 74,9% ở đầu gối, 48,65% ở tay, 78,6% ở hông và 95,1% ở các khớp khác, bao gồm cả khuỷu tay và vai.
Viêm xương khớp ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới và dự tính bệnh sẽ tiếp tục gia tăng theo xu hướng này. Năm 2020, 61% trường hợp viêm xương khớp là ở phụ nữ so với 39% ở nam giới.
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư tiến sĩ Jacek Kopek tại Đại học British Columbia (Canada), cho biết: "Lý do dẫn đến sự khác biệt về giới tính trong tỷ lệ mắc bệnh viêm xương khớp đang được nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học tin rằng các yếu tố di truyền, nội tiết tố và sự khác biệt về giải phẫu đóng một vai trò nào đó".
Vai trò của béo phì đã tăng lên theo thời gian, cụ thể năm 1990, béo phì gây ra 16% tình trạng tàn tật do viêm xương khớp và tỷ lệ này tăng lên 20% vào năm 2020. Nếu bệnh béo phì có thể được giải quyết một cách hiệu quả trên quy mô toàn cầu thì gánh nặng viêm xương khớp sẽ giảm khoảng 20%, nhóm nghiên cứu cho hay.
Đồng tác giả nghiên cứu Liane Ong, chuyên gia nghiên cứu tại Viện đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME), cho biết: "Các hệ thống chăm sóc sức khỏe và chính phủ có cơ hội tham gia vào việc xác định các nhóm dân số dễ bị tổn thương, giải quyết các nguyên nhân gây béo phì và phát triển các chiến lược quản lý để phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm xương khớp".
"Ít hoạt động thể chất liên quan tới béo phì và cơn đau do viêm xương khớp đều có thể là vấn đề cần phải khắc phục. Cụ thể, hoạt động thể chất có thể giúp phòng ngừa các chấn thương xảy ra sớm hơn trong cuộc đời và thậm chí có thể mang lại lợi ích cho người bị đau khớp. Nghe có vẻ vô lý nhưng khi bị đau khớp không có nghĩa là chúng ta phải nên tránh vận động" - Liane Ong cho biết thêm.
Mời xem thêm video:
Viêm Xoang: Cảnh Báo Về Biến Chứng Nguy Hiểm | SKĐS