Hai Phiếm lẩm bẩm:
- Đọc báo thấy nếu giảm 1% thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) thì ngân sách sẽ giảm 6.000 tỉ đồng, giảm 2% sẽ mất hơn 12.000 tỉ đồng…
- Tức là nếu tăng 10% thuế thu nhập doanh nghiệp thì ngân sách sẽ có thêm 60 ngàn tỉ đồng, tăng 30% thì sẽ có thêm 180 ngàn tỉ đồng… - Nghĩ tôi phấn khởi - Lúc đó đâu có lo thiếu tiền trả lương hưu, xây trường học, bệnh viện!
Hai Phiếm gắt:
- Lý sự như bác thì tăng thuế lên 50% chắc ngân sách tha hồ nhiều tiền, chi thoải mái?
- Đúng thế!
- Đúng là tính cua trong lỗ! Nộp thuế càng nhiều thì hàng hóa càng tăng giá vì mọi chi phí đều nằm trong sản phẩm. Thuế tăng, giá phải tăng và dân sẽ khổ khi nhu cầu có mà sản phẩm DN làm ra giá cao nên không thể mua hoặc mua thứ này thì phải bớt thứ kia. Hàng không bán được thì DN sản xuất ít đi, thu nhập DN giảm thì tiền thuế nộp ngân sách cũng giảm.
- Nghĩa là thuế, giá thành sản phẩm và người tiêu dùng có liên quan móc xích với nhau?
- Chứ sao nữa! Ngay trong đời sống, bà bán phở chẳng hạn ăn lãi ít thì nhiều người ăn thành ra lợi nhuận nhiều hơn bán đắt, ít người ăn.
- Vậy giảm thuế cho doanh nghiệp cũng là một dạng khoan sức dân?
- Thì doanh nghiệp cũng là dân chứ là ai?
- Và thuế giảm thì ngân sách sẽ tăng, kinh tế, sản xuất phát triển, nhu cầu người dân được đáp ứng tốt hơn từ đồng lương hiện có.
Hai Phiếm bỗng thừ người:
- Chẳng cứ có ai đó lo giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách mà còn thích đẻ ra phí này, phí nọ, phí chồng phí, cứ tưởng như thế là để tăng ngân sách!
- Khi sức dân được khoan qua việc giảm, giãn, miễn thuế để DN có thể hồi sinh, mở rộng sản xuất kinh doanh, làm ra sản phẩm nhiều, giàu sức cạnh tranh mới là sức mạnh cho nền kinh tế cất cánh và ngân sách mới có nguồn thu một cách bền vững, chắc chắn!
Cả Nghĩ