Hà Nội

Khoai tây mọc mầm rất dễ gây ngộ độc

02-04-2015 10:25 | Y học 360
google news

SKĐS - Khoai tây là thực phẩm gần gũi trong những bữa ăn gia đình. Nhiều người còn có thói quen mua tích trữ khoai tây để ăn dần.

Khoai tây là thực phẩm gần gũi trong những bữa ăn gia đình. Nhiều người còn có thói quen mua tích trữ khoai tây để ăn dần. Chính vì vậy, trong sinh hoạt vẫn xảy ra những vụ ngộ độc do người bệnh ăn phải những củ khoai tây đã mọc mầm chứa chất độc solanin.

Chất độc tập trung ở mầm

Bình thường, khoai tây mới thu hái không có solanin. Đến mùa thu hoạch khoai tây, một số gia đình mua để ăn dần khiến nhiều củ bị mọc mầm, ăn vào sẽ bị ngộ độc. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất solanin phân bố trong mầm khoai tây và chân mầm là 420 - 730mg/ 100g, trong vỏ khoai: 30 - 50mg/100g và trong ruột khoai: 4 - 7mg/100g. Như vậy lượng chất độc chứa trong mầm khoai tây rất lớn, trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm. Solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 - 0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể.

Không nên sử dụng khoai tây mọc mầm.        Ảnh: MH

Các triệu chứng ngộ độc khoai tây

Ngộ độc khoai tây có thể xảy ra nếu ăn vỏ xanh trên củ hoặc các mầm khoai. Nếu ăn với lượng ít, solanin và alpha-chaconin trong khoai tây gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Ngộ độc nặng hơn, các triệu chứng sẽ trầm trọng và đau đớn hơn. Nặng hơn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh cùng với các trục trặc về tiêu hóa như mê sảng, tiêu chảy, giãn đồng tử, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, sốc, hạ thân nhiệt, tê liệt, chậm chạp, thở chậm lại, đau bụng, nhìn kém, nôn...

Các triệu chứng ngộ độc khoai tây có thể kéo dài 1-3 ngày. Tuy nhiên, do lượng solanin trong củ khoai tây không đáng kể, nên việc ngộ độc solanin nặng do ăn khoai tây chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt do ăn quá nhiều khoai tây và ăn cả mầm khoai.

Phòng tránh ngộ độc khoai tây

Ngộ độc khoai tây có thể tránh được một cách dễ dàng bằng lưu trữ đúng cách, ăn sớm ngay sau khi đã mua, gọt vỏ và bỏ mầm xanh. Không nên ăn khoai tây đã mềm nhũn, cũ và mọc mầm. Khi mua, nên chọn khoai còn rắn, chắc tay, không có mầm.

Khoai tây mọc mầm nhờ sự ấm áp, độ ẩm và ánh sáng. Vì vậy, nên cất khoai chưa rửa ở nơi mát, tối, khô ráo nếu chưa thể ăn ngay.  Hoặc có thể cho khoai tây vào thùng thoáng khí và không bị ẩm.

Cách chế biến khoai tây cũng quyết định đến nồng độ của solanin và chaconin-alpha. Trước khi chế biến nên ngâm khoai vào nước muối loãng trong vài giờ và cho thêm một chút dấm khi chế biến sẽ giúp loại bỏ độc tố.

Nếu vô tình ăn phải khoai tây chứa chất độc và có những biểu hiện ngộ độc, hãy đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, thích hợp.

Bác sĩ Lê Hải

 


Ý kiến của bạn