Hà Nội

Khoai lang tím, dược liệu quý trong món ăn bình dân

22-02-2018 16:28 | Dinh dưỡng
google news

Khoai lang tím là vị thuốc, món ăn bổ dưỡng cho nhiều đối tượng, nhưng riêng với các trường hợp bị tiêu chảy, viêm dạ dày, đường huyết thấp nên hạn chế ăn khoai lang.

Khoai lang tím còn có tên gọi khác là khoai lang Pêru vì nó có nguồn gốc từ Nam Mỹ, tên khoa học là Solanum andigenum.

Khoai lang tím thuộc loài thân thảo dạng dây leo sống lâu năm, có lá mọc so le hình trái tim hay xẻ thùy chân vịt. Củ hình thuôn dài, lớp vỏ nhẵn nhụi có màu tím (cũng có màu khác là đen, nâu, trắng hay vàng) và có tới hàng trăm loài khác nhau. Tùy theo giống khoai mà củ của nó có kích thước, độ ngọt và mùi thơm khác nhau. Khoai lang tím giống Nhật Bản được trồng nhiều ở các huyện Tam Bình, Bình Tân... tỉnh Vĩnh Long. Gần đây, khoai lang tím trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.

Khoai lang tím

Về dinh dưỡng: khoai lang tím giàu các chất mangan, canxi, vitamin A, B, choline... Khoai lang tím còn chứa nhiều chất chống oxy hóa nên rất tốt cho sức khỏe.

Tác dụng giảm huyết áp: theo nghiên cứu tại Mỹ do ông Joe Vinson đứng đầu cho thấy, khoai lang tím có tác dụng trong việc phòng ngừa bệnh cao huyết áp.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Scranton (Mỹ) cho biết, tác dụng của khoai lang tím đối với huyết áp tuy nhỏ nhưng lại đủ để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Theo hãng tin New Kerala, đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của việc ăn khoai lang tím đối với huyết áp ở người.

18 người tình nguyện được mời tham gia cuộc thí nghiệm ăn 6 - 8 củ khoai lang tím nướng trong lò vi sóng, 2 lần/ngày trong thời gian 4 tuần liên tục. Phần lớn những người tham gia đều mắc chứng tăng cân và cao huyết áp, cùng nhóm người khác không ăn khoai để đối chứng. Kết quả, nhóm ăn khoai lang tím có chỉ số huyết áp, kể cả cực đại lẫn cực tiểu đều giảm.

Cụ thể, huyết áp tâm trương giảm 4,3%, huyết áp tâm thu giảm 3,5% trong khi đó nhóm đối chứng lại không có được những tác dụng này, đặc biệt, những người mắc bệnh dư thừa trọng lượng, cao huyết áp vừa uống thuốc lại kết hợp ăn khoai lang tím thì hiệu quả giảm huyết áp lại càng lớn, tuyệt nhiên không một ai trong nhóm này bị tăng cân.

Qua nghiên cứu, nhóm đề tài phát hiện thấy, trong khoai lang tím có chứa các hợp chất giống như trong thuốc hạ huyết áp ACF inhebitor và các hợp chất hữu ích khác mà người ta chưa phát hiện được. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, khoai lang tím được xem là một trong những loại thực phẩm, thuốc chữa bệnh quý được người dân ở đây dùng thường xuyên sử dụng.

Các nhà khoa học khuyến cáo để mang lại lợi ích cao nhất thì không nên nướng vì nướng sẽ làm giảm các thành phần chống oxy hóa của khoai, đây là những tố chất quan trọng trong bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các gốc tự do gây tổn thương, hủy hoại tế bào. Ngoài ra, cũng không nên ăn khoai lang tím với kem bơ thực vật, nó sẽ giảm tác dụng “bình ổn” huyết áp của khoai.

Khoai lang tím và tim mạch: khoai lang tím giàu chất anthocyanin. Vỏ của khoai lang tím có chứa chất anthocyaninesnhiều hơn trong ruột cùng củ khoai lang. Hơn nữa, màu nạc bột khoai có màu sậm, chứa nhiều anthocyanine hơn. Đối với sức khỏe của con người, theo nghiên cứu của David Heber, Đại học Harvard (Mỹ), chất anthocyanin có thể cắt được cơn đau tim, giảm thiểu các tổn thương não liên quan đột quỵ và ngăn cản sự tạo thành các cục máu đông trong lòng mạch máu (nguyên nhân dẫn đến tắc mạch, gây tai biến mạch máu não và những cơn nhồi máu cơ tim đột ngột), hạn chế sự suy giảm sức đề kháng.

Khoai lang tím - đẹp mắt, trị bệnh

Ăn khoai lang 2 lần/tuần sẽ giúp da mềm mại và đẹp hơn

Cải thiện chức năng gan: một nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ một thức uống biến chế từ khoai lang tím có hiệu quả cải thiện chức năng của gan ở người có nguy cơ bị viêm gan và giảm nồng độ men gan hay bệnh về gan. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy dung dịch trích từ khoai lang có hiệu quả bảo vệ gan. Khoai lang là loại thực phẩm giàu các chất mangan, canxi, vitamin A, B, choline... Củ khoai đã phơi khô có chứa những chất rất quý với cơ thể là vitamin chống nhiễm mỡ. Nếu thiếu vitamin này có thể dẫn đến hỗn loạn chuyển hóa gan, nhiễm mỡ gan, xơ gan.

Tác dụng giảm cân: tại Hàn Quốc, khoai lang tím từ lâu được xem là phương thuốc dân gian giúp giảm cân. Khoai lang nói chung và khoai lang tím riêng là nhóm thực phẩm giàu dưỡng chất như vitamin A, B, C, E, protein, tinh bột, axít amin và rất nhiều các loại nguyên tố vi lượng như: canxi, sắt, magiê, kẽm... nên được xem là thực phẩm số 1 cho những người muốn giảm cân và chứa ít năng lượng, chóng no lại ngon miệng. Nếu so với cơm gạo, các loại củ khác thì khoai lang tím chỉ có mức năng lượng bằng 1/3 nhóm thực phẩm nói trên. Trung bình cứ 100g khoai lang chỉ chứa khoảng 0,2g chất béo, bằng 1/4 bát cơm. Một củ khoai lang có chứa hàm lượng kali nhiều hơn tới 28% so với một quả chuối. Vì những lợi thế này của khoai lang mà người ta đã xếp nó vào nhóm thực phẩm, giúp giảm cân, làm đẹp và an toàn. Cách tốt nhất là ăn vào bữa trưa, khoảng 100g là có lợi cho hệ thống tiêu hóa.

Giảm đường: trong khoai lang tím có chất béo, đường mỡ thấp nên rất có lợi cho nhóm người mắc bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu còn cho thấy anthocyanin còn có tác dụng tốt trong việc điều hòa lượng đường huyết của những bệnh nhân đái tháo đường.

Khoai lang tím và ung thư: khoai lang tím giàu chất anthocyanin, một loại sắc tố tạo ra màu tím ở rau củ. Đây cũng là chất có khả năng giảm nguy cơ ung thư, nhưng khả năng chống ung thư của khoai lang tím vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng trước đây. Kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy so với những loại khác, dòng khoai lang tím của Đại học bang Kansas có hàm lượng anthocyanin cao hơn hẳn, cũng như chứa những hợp chất chống lão hóa và chống tình trạng oxy hóa. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng anthocyanin có tác dụng tốt trong chống lão hóa, ngăn ngừa sự phát triển của các khối u, bướu, hạn chế nguy cơ bị đột quỵ, giảm nguy cơ mắc ung thư… Khi tiêm một lượng nhỏ anthocyanin chiết xuất từ loại khoai lang trên vào các tế bào ung thư ruột kết, chất này đã chứng tỏ khả năng ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện trong một số trường hợp, sự biến đổi về cấu trúc của các phân tử anthocyanin cũng làm tăng khả năng chống ung thư của chúng.

Khoai lang tím giàu chất tạo màu chống oxy hóa có tên là anthocyanin, các loại khoáng chất như: sắt, kali, vitamin C và axít folic nên có nhiều tác dụng khác như:

Chống lão hóa da: ăn khoai lang 2 lần/tuần sẽ giúp da mềm mại và đẹp hơn vì khoai lang tím có chứa nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ. Có thể ăn khoai luộc hoặc nghiền khoai lang nhuyễn, trộn với sữa tươi hoặc sữa chua đắp lên da.

Ngăn ngừa nếp nhăn: khoai lang tím giàu beta carotene, vitamin B1, vitamin C, Ca, Mg và các chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt, nó có anthocyanins có tác dụng chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa nếp nhăn, ngăn ngừa mỏi mắt.

Kháng viêm và làm mờ vết thâm: khi da sưng đỏ hoặc đau rát chỉ cấn cắt lát khoai mỏng đắp lên đó trong khoảng 10 - 15 phút sẽ làm dịu đau.

Ngừa mụn nhọt: dùng khoai lang tím (1 củ), lá bồ công anh (40g), mật mía giã nhuyễn gói vào vải mỏng đắp lên mụn nhọt.

Trị vàng da: ăn thường xuyên cháo khoai lang tím với gạo nếp hoặc bột ngô sẽ có tác dụng giảm bệnh vàng da và làm cho da trở nên sáng láng.

Lưu ý:

Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất, do đó, khi luộc bảo vệ phần vỏ không bị xây xát, không gọt vỏ nếu không cần thiết.

Trong khoai lang có chất đường, ăn nhiều nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng có thể uống một ít nước gừng.

Khoai lang là vị thuốc, món ăn bổ dưỡng cho nhiều đối tượng, nhưng riêng với các trường hợp bị tiêu chảy, viêm dạ dày, đường huyết thấp nên hạn chế ăn khoai lang.

Trong khoai lang tím có chứa các hợp chất giống như trong thuốc hạ huyết áp ACF inhebitor

Lương y HOÀNG DUY TÂN


Ý kiến của bạn