Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội và tác động không nhỏ tới sự phát triển của khoa học-công nghệ (KH-CN) và việc hoạch định chính sách phát triển của mỗi quốc gia.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, nhiều nước coi đây là động lực để xem xét lại chiến lược quốc gia, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra tăng trưởng trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia đang bước vào giai đoạn "bình thường mới" và có cơ hội thay đổi việc triển khai KH&CN một cách hợp lý.
Trong bối cảnh này, Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức Hội thảo khoa học VANJ 2020 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ trong bình thường mới”, dành cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và trí thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Cơ quan đồng tổ chức là Trung tâm Mạng lưới Nghiên cứu Spintronics (CSRN) thuộc Đại học Tokyo, một trong bốn trung tâm nghiên cứu về Spintronics lớn nhất Nhật Bản.
Với sự có mặt của hơn 60 diễn giả khách mời đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Mỹ, Australia, Kazakhstan..., hội thảo sẽ chia sẻ, cập nhật những tiến bộ trong KH&CN, những hoạt động nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thảo luận những chính sách kinh tế, thương mại, y tế, biến đổi khí hậu, năng lượng của quốc gia và khu vực trong giai đoạn bình thường mới. Những trao đổi của chuyên gia sẽ là những bài học ý nghĩa rút ra từ thực tiễn triển khai của Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia khác.
Giáo sư Nhật Bản Takaaki Kajita, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2015 sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể của hội thảo khoa học VANJ 2020 "Khoa học và Công nghệ trong Bình thường mới" do Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ) tổ chức.
Giải Nobel Vật lý năm 2015 được trao cho GS Takaaki Kajita (người Nhật) và GS Arthur B. McDonald (người Canada) vì những đóng góp quan trọng của hai ông trong việc chứng minh rằng các hạt neutrino có khối lượng.
Sự kiện này là hoạt động kết nối cộng đồng học thuật Việt Nam và Nhật Bản lớn nhất trong năm 2020 và cũng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của VANJ từ khi thành lập năm 2016. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng trên hành trình kết nối lan tỏa tri thức trong cộng đồng học thuật nói riêng và cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản nói chung nhằm mục đích đóng góp vào sự phát triển xã hội và tình đoàn kết giữa hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Hiện tại, trong khoảng 350.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, lực lượng trí thức không chỉ góp phần quan trọng trong lực lượng lao động, tham gia trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ của Nhật Bản mà còn tạo ra sự đa dạng văn hóa, xã hội của đất nước mặt trời mọc trong bối cảnh toàn cầu hoá. Từ con số trí thức chỉ trên dưới 100 người trước năm 1990, thì cộng đồng trí thức Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng.
1: Vật liệu nano mới nổi
2: Hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) và IoT
3: Mạch tích hợp lớn (VLSI) và ứng dụng
4: Học sâu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP)
5: Robot thân mềm
6: Đại dịch COVID-19 và những tác động của nó đối với môi trường và tiến bộ toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs)
7.1: Những tiến bộ gần đây trong Y sinh: Từ cơ chế bệnh tật đến chiến lược điều trị
7.2: Sức khỏe cộng đồng
8: Vai trò và ứng dụng của bộ chuyển đổi điện, hệ thống lưu trữ năng lượng và xe điện trong lưới điện có ngưỡng thâm nhập nguồn năng lượng tái tạo cao
9: Chính sách, Chiến lược Kinh tế và Kinh doanh
10: Kết nối mạng học thuật Việt Nam
11: Hạt cơ bản Neutrino
12: Hệ thống phân phối thuốc
Đặc biệt, Hội thảo khoa học VANJ 2020 lần này có phiên thảo luận về Đại dịch COVID-19 và các tác động đối với môi trường và tiến bộ toàn cầu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc; Những tiến bộ gần đây trong Y sinh: từ cơ chế bệnh tật đến chiến lược điều trị; và Các chiến lược y tế công cộng bền vững và hiệu quả để đối phó với COVID-19 trong Bình thường mới với sự góp mặt của các chuyên gia y tế hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản, WHO, Hoa Kỳ.
Các quốc gia khác nhau có quan điểm và cách tiếp cận khác nhau để giải quyết và ngăn chặn COVID-19. Các chuyên gia y tế và sức khỏe cộng đồng từ Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ chia sẻ những bài học và kinh nghiệm về phòng ngừa và điều trị COVID-19 tại các quốc gia của họ. Trong phần thảo luận, các chuyên gia sẽ chia sẻ ý kiến về cách để đưa ra các chiến lược sức khỏe cộng đồng bền vững và hiệu quả nhằm chuẩn bị và ứng phó với COVID-19 trong bối cảnh Bình thường mới.
Chuyên đề "Các chiến lược sức khỏe cộng đồng bền vững và hiệu quả để đối phó với COVID-19 trong Bình thường Mới" do PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Việt Nam và TS.Phạm Nguyên Quý, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) đồng chủ trì.