Khoa học pháp y giải mã án hình sự phức tạp

16-10-2013 21:52 | Pháp luật
google news

Tội phạm ngày nay đang trở nên xảo quyệt và thông minh hơn. Chúng có rất nhiều thủ đoạn được chuẩn bị kỹ càng nhằm qua mắt cơ quan điều tra. Và bằng chứng từ những nhân chứng đã trở nên ít hiệu quả buộc tội hung thủ khi hành động tội ác đang diễn ra.

Tội phạm ngày nay đang trở nên xảo quyệt và thông minh hơn. Chúng có rất nhiều thủ đoạn được chuẩn bị kỹ càng nhằm qua mắt cơ quan điều tra. Và bằng chứng từ những nhân chứng đã trở nên ít hiệu quả buộc tội hung thủ khi hành động tội ác đang diễn ra. Tuy nhiên, khoa học pháp y đã giúp bóc trần một số vụ án nổi cộm và trở thành vị quan tòa công tâm của nạn nhân.

Xây dựng hình ảnh tội phạm

Đó là công lao của một người Pháp tên là Alphonse Bertillon, ông từng làm thư ký cho cảnh sát quận ở Paris. Trong quá trình làm việc, ông đã nhận ra rằng các phương pháp nhận dạng tội phạm đều là vô giá trị. Bertillon đã lên ý tưởng và đổi mới đầu tiên của ông là cắt hình ảnh của nhiều khuôn mặt khác nhau thành một dải để phân tích các tính năng, từ đó sắp xếp để hình thành một khuôn mặt mới. Các nhân chứng có thể sử dụng những bức ảnh này để xây dựng hình ảnh gần đúng về tên tội phạm tiềm năng mà họ đã thấy trong quá khứ. Bertillon đã phát minh nên thứ công nghệ đầu tiên mà ngày nay chúng ta gọi là “ảnh vẽ lại chân dung kẻ tình nghi”.

Khoa học pháp y giải mã án hình sự phức tạp 1
 Cảnh sát Khoa học kỹ thuật hình sự sử dụng kỹ thuật cao để điều tra, phá án. Nguồn ảnh: vtc.vn

Dấu vân tay

Mỗi chúng ta, ai cũng có một bộ dấu vân tay duy nhất và độc đáo ngay trên đầu mỗi ngón tay. Vào năm 300 sau Công nguyên, người ta đã tìm ra bằng chứng về cách sử dụng dấu vân tay để xác định kẻ phạm tội ở Trung Quốc. Nhưng việc tạo ra một hệ thống dấu vân tay toàn diện để có thể phân loại và dùng nó để truy lùng tội phạm được xem là một thách thức khá khó khăn. Nhưng Francis Galton, người anh em họ của nhà bác học Charles Darwin, đã giải quyết tốt vấn đề này bằng cách tập trung trên các hình tam giác được hình thành từ các cạnh của dấu vân tay, gọi là đồng bằng.

Hệ thống nhận dạng mới của Francis Galton đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các quan chức Anh và dấu vân tay nghiễm nhiên trở thành chiếc chìa khóa chủ chốt trong công tác điều tra tội phạm trong thời đại ngày nay. Nếu những dấu vân tay này được tìm thấy thì nó sẽ là một bằng chứng không thể chối cãi, rằng phải có con người hiện diện tại đó.

Xét nghiệm ADN

Chuyện kể rằng, vào ngày 10/9/1984, TS. Alec Jeffreys từ Trường đại học Leicester trong lúc đang theo dõi một thí nghiệm về ADN từ các thành viên trong cùng gia đình, đã nhận thấy rằng có nhiều mối liên hệ giống nhau nhưng cũng có những khác biệt đáng kể. Ông Jeffreys đã tức thì nắm bắt điều này, có nghĩa là: Tất cả chúng ta đều có “dấu vân tay” ADN, bất kỳ người nào cũng có thể xác định được mã di truyền độc đáo của mình. Vào ngày 22/9/1983, tại làng Narborough, một nữ sinh tên là Lynda Mann đã bị chết đáng ngờ. Có dấu hiệu cho thấy nạn nhân chết do bị tấn công tình dục và bị siết cổ.

Khoa học pháp y giải mã án hình sự phức tạp 2
 Chương trình truyền hình tội phạm ăn khách như CSI (Điều tra hiện trường tội ác) tập trung vào các chuyên gia pháp y đang làm việc.

Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của Sở cảnh sát hạt Leicestershire (Anh), tên sát nhân ám hại Lynda vẫn bặt vô âm tính, cuộc điều tra cuối cùng rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, tấn thảm kịch đã có manh mối. Ngày 2/8/1986, xác của cô bé Dawn Ash, 15 tuổi, đã được tìm thấy gần ngôi làng Enderby, nằm không xa làng Narborough. Nạn nhân cũng bị chết vì tấn công tình dục và siết cổ. Thời điểm này, cảnh sát tìm ra kẻ tình nghi: một gã trai trẻ, làm nhân viên khuân vác trong bệnh viện gần đó. Sau 7 giờ thẩm vấn căng thẳng, gã trai đã suy sụp tinh thần và buộc phải nhận tội. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn muốn chứng minh rõ tội ác của gã cũng như mối dây liên hệ giữa hắn với nạn nhân Lynda Mann. Vì vậy, họ đã tiếp cận TS. Alec Jeffreys và trao cho ông những mẫu ADN lấy từ xác của hai cô gái để đem đi phân tích. Ông Jeffreys đã có thể nói cho cảnh sát thứ mà họ đang cần cũng như thứ mà họ không thể tin nổi. Theo đó, bằng chứng ADN cho thấy, có cùng một gã đàn ông đã sát hại cả hai cô gái nhưng không phải là gã khuân vác đang ngồi trong tù!

Cảnh sát đã tiếp cận một giải pháp cơ bản, họ đã quyết định lấy mẫu máu của một số đối tượng nghi vấn khác tại địa phương. Tuy nhiên, sau khi lấy máu từ hàng ngàn nam giới, không có kết quả nào trùng hợp. Rồi thì, họ chú ý đến một gã đàn ông tên là Ian Kelly, người này nói với mọi người rằng mình đã cho máu thay một người bạn tên là Colin Pitchfork. Cảnh sát nghi ngờ rằng tại sao Colin Pitchfork lại thuyết phục Ian Kelly lấy máu thay hắn? Cảnh sát đã tóm Colin Pitchfork và ADN của hắn hoàn toàn trùng hợp với mẫu máu thu được tại hiện trường vụ án.

Ngày nay, một chút máu hay sợi tóc sót lại tại hiện trường cũng có thể là một bằng chứng ADN rất đáng tin cậy. Dấu vân tay di truyền đã phát huy hết công suất của nó. Ngoài ra còn có rất nhiều khám phá thú vị trong lĩnh vực khoa học pháp y, chẳng hạn như phân tích dưới kính hiển vi của các sợi quần áo, phát hiện chất độc, hoặc những viên đạn trùng hợp với súng đã bắn ra chúng. Khi các vụ án không ngừng leo thang thì khoa học luôn đứng đầu để chống lại tội phạm.

Nguyễn Thanh Hải (Theo Express, 10/2013)

Ý kiến của bạn