Ngay sau đợt cao điểm tháng 4/2015, tỉ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (tăng từ 36% và tháng 3.2014 lên tới 68% vào tháng 4.2015). Mặc dù tính trung bình, từ tháng 3.2014 đến tháng 12/2015, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em tăng 11% (từ 36% lên tới 47%), nhưng vào thời điểm cuối kỳ, tỉ lệ này giảm đáng kể so với thời gian diễn ra đợt cao điểm (giảm từ 68% xuống còn 47%).
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á từ tháng 3.2015 đến tháng 12.2015. Kết quả còn cho thấy tại Hà Nội, thời điểm tháng 4.2015, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là 68,8% nhưng đến tháng 12.2015, tỉ lệ này chỉ còn 37,1%.
Mặc dù không đồng tình với kết quả nghiên cứu tại Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống - Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng chỉ cần 10% trẻ em không đội mũ bảo hiểm tức là có khoảng 1 vạn học sinh Hà Nội đi ngoài đường không đội mũ bảo hiểm, nếu như vậy thì thật là “kinh khủng” chứ chưa nói gì đến chỉ có 37,1% trẻ em đội mũ bảo hiểm.
Tuy vậy, ông Thống cũng tỏ ra bức xúc trước tình trạng học sinh đi ngoài đường không đội mũ bảo hiểm và chỉ ra rằng càng các em học sinh lớn thì ý thức càng giảm. Chẳng hạn tỉ lệ học sinh tiểu học đội mũ bảo hiểm là rất cao, có trường đạt 98%, đến học sinh THCS thì tỉ lệ đội mũ bảo hiểm đã thấp xuống, còn học sinh PTTH và người lớn thì giảm hẳn. “Tại sao lại như vậy? Người lớn đi ngoài đường không đội mũ bảo hiểm để làm gương thì chưa thể lan tỏa ý thức tới các em được.
Nhiều phụ huynh đã nhận thức đầy đủ việc đội mũ bảo hiểm cho con
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân là ở ý thức của phụ huynh. Một bà mẹ chở con không đội mũ bảo hiểm nếu đang đi đường có hạt mưa thì lập tức dừng lại để mua áo mưa cho con vì sợ con ốm. "Nhưng đấy chỉ là việc trước mắt. Còn đảm bảo an toàn tính mạng cho con bằng việc đội mũ bảo hiểm thì không chú trọng". ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.
Để tỉ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em thì việc thực hiện cần phải có tính răn đe, “răn” là trách nhiệm của nhà trường, xã hội, còn “đe” là nhiệm vụ của cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc xử phạt người không đội mũ bảo hiểm cũng không dễ dàng, giờ học sinh tan tầm cũng là giờ cao điểm nên lực lượng CSGT phải có nhiệm vụ phân làn, điều tiết giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia khẳng định vai trò của ngành Giáo dục là rất quan trọng, làm tăng tỉ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông theo quy định đã được cải thiện đáng kể, từng bước hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Dù vậy, vẫn còn một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa nhận thức sâu sắc hậu quả của việc không đội mũ bảo hiểm cho con,. Một bộ phận khác chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, đặc biệt là người dân khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Nhưng một số vẫn còn chủ quan, gây khó khăn cho lực lượng CSGT trong việc xử phạt
Trong khi đó, việc triển khai công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở những địa bàn này còn rất hạn chế. Công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, xử lý vi phạm ở hầu hết các địa phương mới chỉ làm quyết liệt trong thời gian diễn ra đợt cao điểm, không được duy trì thường xuyên.
Mặt khác, lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm mỏng, không quán xuyến được hết các địa bàn, nhiều trường hợp vi phạm chưa được nhắc nhở và xử phạt theo quy định nên chưa tạo sự răn đe mạnh, vi phạm vẫn tiếp diễn.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong tháng cao điểm và những thời gian tiếp theo, lực lượng CSGT đã tiến hành nhắc nhở 31.754 trường hợp, lập biên bản xử phạt 11.857 trường hợp, nộp kho bạc 1.052 tỉ đồng, tạm giữ 319 mô tô, xe máy điện.
Một số địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền, xử lý nghiêm dẫn tới tỉ lệ người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đạt tỉ lệ cao như An Giang, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP HCM cho biết về những khó khăn trong việc xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ.
Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền Cục CSGT cho biết: Xuất phát từ thực tiến, người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm lập tức bỏ chạy, trốn tránh, nếu bị dừng xe thì bao biện là nhà gần, quên. Học sinh cũng biết mình không phải là đối tượng áp dụng biện pháp xử phạt là chính nên chấp hành chưa nghiêm. Thậm chí tỏ thái độ bất hợp tác, quay xe bỏ chạy gây nguy hiểm cho chính trẻ và người khác nên thường CSGT không truy đuổi. Do đó, việc đội mũ bảo hiểm trẻ em thì ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ tính mạng của học sinh và phụ huynh là quan trọng nhất.