Nhiều chủ nuôi không tiêm phòng cho chó dẫn tới tình trạng chó dễ bị mắc bệnh dại. Ngoài nỗi lo chó cắn người truyền bệnh dại, thì chó thả rông còn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tai nạn giao thông cho người đi đường.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có từ 60.000-70.000 người chết do bệnh dại, trung bình cứ 10-15 phút lại có 1 người chết vì bệnh dại. Còn ở nước ta, tình trạng chó cắn người cũng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã xảy ra tình trạng chó dại cắn người tập thể gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân thời gian qua.
Tiêm vắc-xin phòng dại cho vật nuôi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Nghị định 90 năm 2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y cũng đã quy định rất rõ về việc xử lý chủ vật nuôi khi thả rông chó tại nơi công cộng. Cụ thể, phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự. Nghị định còn quy định, chó thả rông bị bắt, sau 72 giờ, nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy.
Tuy vậy, trên thực tế, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Anh Đỗ Khuê (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, việc thả rông chó ra đường không những tạo hình ảnh xấu cho Hà Nội, mà còn gây nguy hiểm cho rất nhiều người: “Khi cho chó ra đường thì phải xích lại, rọ mõm, quản lý được nó, không là rất nguy hiểm, nhất là những con chó nước ngoài, chó lớn. Nếu không được tiêm phòng thì rất nguy hiểm cho con người”.
Đồng tình với quan điểm của anh Khuê, ông Bùi Huy Dũng (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhấn mạnh, người nuôi chó phải có cách quản lý vật nuôi của mình để đảm bảo an toàn cho những người khác. Bên cạnh đó, khi nuôi chó cũng phải đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, nếu có xảy ra những trường hợp đáng tiếc thì chủ vật nuôi phải đảm bảo trách nhiệm của mình:
TS.BS. Vũ Quốc Đạt - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đại học Y cho biết: “Ở Việt Nam vẫn còn tình trạng chó thả rông, không có rọ mõm khi ra ngoài đường, điều này rất là nguy hiểm. Chó thả rông sẽ có khả năng đi cắn những người khác và lây truyền bệnh dại. Thứ hai, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho chó ở nước ta còn khá hạn chế nên chó hoàn toàn có khả năng nhiễm virus dại. Và khi chó cắn người thì có khả năng lây bệnh cho người”.
Ở nước ta, việc sở hữu chó, mèo hay những vật nuôi khác hiện nay rất dễ dàng và hầu như không qua đăng ký hay khai báo. Hiện nay, có nhiều quy định về chăn nuôi chó, mèo như quy định trong Luật Chăn nuôi, một số nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, khi muốn nuôi động vật như chó, mèo, người dân phải đăng ký với trưởng thôn để lập danh sách, trình UBND cấp xã, phường cấp sổ quản lý. Vật nuôi thường xuyên xích, nuôi nhốt trong nhà, không được thả rông. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm; phải được tiêm phòng hằng năm...
Nhưng người dân cũng như chính quyền các địa phương đều lơ là các quy định về quản lý, tiêm phòng động vật nuôi. Chính vì sự nguy hiểm của nạn chó thả rông như hiện nay ở nước ta, đòi hỏi các ngành chức năng cần tăng cường nhắc nhở, kiểm tra và xử phạt thật nghiêm các hộ gia đình thả rông chó ra đường, không thực hiện đăng ký và tiêm phòng đúng quy định. Ðồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, bắt hết chó thả rông chạy ngoài đường. Có như vậy mới bảo đảm được an toàn cho người đi đường cũng như hạn chế tai nạn giao thông xảy ra.