Khổ vì viêm niêm mạc miệng tái phát

21-07-2011 10:31 | Tin nóng y tế
google news

Viêm niêm mạc miệng tái phát hay còn gọi là bệnh nhiệt miệng là một bệnh khá phổ biến chiếm 10-20% dân số, hay gặp vào lứa tuổi 20 -30.

Anh Nguyễn Văn H. khốn khổ vì miệng lúc nào cũng lở loét. Cả tháng chỉ được vài ngày anh cảm thấy thoải mái vì trong miệng không còn mụn. Mỗi lần miệng bị đau, anh cũng ăn nhiều thực phẩm mát, bổ như bột sắn, cam sành... nhưng cứ như đến hẹn lại lên, chỉ được vài ngày, cái “mụn” oái oăm lại trở lại, khi thì ở rìa lưỡi, khi thì ở niêm mạc miệng khiến anh không chỉ ăn uống khó khăn mà cả đến nói, cười cũng phải hạn chế. Nguyên nhân gây ra bệnh là gì, cách điều trị hiệu quả như thế nào để người bệnh không còn khổ sở vì bệnh này nữa? Bài viết của ThS. BS. Đỗ Xuân Khoát sẽ giải đáp những băn khoăn này của các bạn.

Viêm niêm mạc miệng tái phát hay còn gọi là bệnh nhiệt miệng là một bệnh khá phổ biến chiếm 10-20% dân số, hay gặp vào lứa tuổi 20 -30. Tuy bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng cũng tạo cảm giác đau đớn, khó ăn, khó nói, hơi thở hôi làm mất tự tin khi giao tiếp. Bệnh lại hay tái phát như tên gọi của nó, có người mỗi tháng chỉ có được 10 ngày là lành lặn còn lại là lở loét túc trực thường xuyên ở niêm mạc môi, má, lợi, lưỡi và vùng hàm ếch. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh còn gặp nhiều khó khăn và dễ nhầm với bệnh nhiễm virut Herpes hoặc nấm Candida. Phòng khám da liễu, Viện Da liễu là những cơ sở có thể điều trị khỏi bệnh này.
 Viêm niêm mạc miệng dễ tái phát và thường gây khó chịu.

Đau loét là dấu hiệu điển hình của bệnh

Tự nhiên xuất hiện những sẩn rải rác hoặc thành đám ở niêm mạc miệng, chỉ sau vài giờ trở nên hoại tử thành vết loét nhỏ hình tròn đáy có giả mạc màu trắng, xung quanh có bờ sung huyết đỏ, đường kính vết loét khoảng 5mm nhưng đôi khi cũng có kích cỡ khác từ 3-10mm. Khi vết loét lớn hơn được gọi là Aphthous chính thống hoặc nhiệt nặng (Major Aphthae). Thường chỉ có vài thương tổn xuất hiện một đợt, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện rất nhiều. Vị trí sắp xếp theo thứ tự giảm dần là: niêm mạc má, môi, cạnh lưỡi, trụ amidan, màn hầu. Loét có thể cùng một lúc xuất hiện ở miệng, âm đạo, trực tràng, hậu môn, quy đầu, thậm chí cả kết mạc mắt. Khi đó được gọi là hội chứng Behcet. Bệnh nhân có cảm giác đau đớn rất khó chịu, ảnh hưởng tới ăn uống và giao tiếp. Bệnh diễn biến từ 1-2 tuần nhưng rất dễ tái phát. Những yếu tố gây tái phát là chấn thương do ăn uống như răng cắn phải niêm mạc, xương các loại, bàn chải răng, răng giả, gia vị cay nóng, dị ứng, sang chấn tinh thần hoặc thay đổi nội tiết ở nữ giới như chu kỳ kinh, lần thấy kinh đầu tiên, có thai, mãn kinh, yếu tố gia đình.

Viêm niêm mạc miệng dễ nhầm với bệnh gì?

Ngày nay nhiều tác giả đã hướng tới do rối loạn miễn dịch và nhiễm khuẩn là chính. Tuy nhiên, viêm niêm mạc miệng cần phân biệt với một số bệnh như giang mai giai đoạn 1, nhiễm nấm Candida, nhiễm virus Herpes, hồng ban đa dạng, Pemphygus, Lichen phẳng

 Thức uống giàu vitamin tốt cho người bị nhiệt miệng.

Một số phương pháp khắc phục

Tại chỗ, dùng thuốc giảm đau trước khi ăn 5 - 10 phút như scharcol, zytee, kamistard gel hay dung dịch xylocain 2%. Sau khi ăn bôi orrepast vào thương tổn. Cũng có thể tiêm triamcinolon vào thương tổn. Đối với tổn thương to, lâu lành dùng dung dịch tetraxyclin 250mg ngậm 2 phút trước khi nuốt x 4 lần/ngày trong 1 tuần.

Thuốc uống: dùng colchicine 0,6mg/2-3 lần/ngày hoặc dapsone  25-50mg/ngày hoặc thalidomide dùng giảm liều dần từ 300mg xuống 100mg/ngày trong 2 tháng điều trị.

Thuốc có thể gây quái thai nên không dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

Phòng tái phát bằng cách kiêng ăn chất cay nóng. Không gặm xương, nên đánh răng bằng bàn chải mềm hoặc nhúng bàn chải vào cốc nước sôi trước khi lấy thuốc đánh răng.

Ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, tránh sang chấn tinh thần.  

ThS. Đỗ Xuân Khoát


Ý kiến của bạn