Khổ vì bệnh nhân... trốn viện

01-12-2011 18:04 | Tin nóng y tế
google news

Trong 3 năm (từ 2008 đến 2010), Bệnh viện Lê Lợi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thất thu 940 triệu đồng viện phí do bệnh nhân trốn viện. Riêng 5 tháng đầu năm 2011, số viện phí thất thu lên đến hơn 87 triệu đồng.

Trong 3 năm (từ 2008 đến 2010), Bệnh viện Lê Lợi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thất thu 940 triệu đồng viện phí do bệnh nhân trốn viện. Riêng 5 tháng đầu năm 2011, số viện phí thất thu lên đến hơn 87 triệu đồng. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng Bệnh viện Lê Lợi vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thất thu viện phí do bệnh nhân trốn viện.

Bác sĩ Trần Văn Bảy, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi, cử nhân Võ Thành Sơn và Nguyễn Văn Bôn là đồng tác giả của đề tài khảo sát về tình hình trốn viện tại Bệnh viện Lê Lợi, nhằm tìm hiểu nguyên nhân để chống tình trạng thất thu viện phí. Tuy nhiên, khó tìm được giải pháp ngăn chặn triệt để khi không chỉ bệnh nhân quá nghèo, không đủ khả năng thanh toán viện phí mà còn do nhiều nguyên nhân khác.

Trốn viện, trên thực tế là thực trạng mà hầu hết các bệnh viện đã và đang, sẽ phải đối mặt, trong đó có Bệnh viện Lê Lợi. Dù trốn viện vì bất cứ lý do nào, bệnh nhân cũng phải đối mặt với hậu quả là không được điều trị, chăm sóc đúng liệu trình, chưa được chữa hết bệnh, không được hướng dẫn đầy đủ cách phòng ngừa bệnh tật và phương hướng điều trị chăm sóc tiếp theo.

 Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Lê Lợi.

Theo khảo sát của các thầy thuốc Bệnh viện Lê Lợi cho thấy, chủ yếu bệnh nhân trốn viện từ phòng cấp cứu (chiếm tới hơn 57%) và ngoài giờ hành chính (cao gấp đôi so với trong giờ hành chính). Hơn 82% bệnh nhân trốn viện thuộc đối tượng thu viện phí, nhưng cũng có gần 14% thuộc đối tượng BHYT và 4% thuộc đối tượng miễn phí. Điều này cho thấy, bệnh nhân trốn viện không đơn thuần chỉ vì phải đóng viện phí, mà còn do các nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan khác. Theo bác sĩ Trần Văn Bảy, bệnh nhân trốn viện không phải do xử lý chậm trễ, vì hầu hết đều được can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất có thể (dưới 30 phút). Điều đáng nói là, đa phần bệnh nhân trốn viện chỉ mới nằm điều trị tại bệnh viện dưới 2 ngày, thậm chí là dưới 1 ngày, chỉ một phần nhỏ (10%) bệnh nhân nằm viện trên 3 ngày trở lên trốn viện. Trong khi đó, chỉ có 10,8% số bệnh nhân trốn viện khỏi bệnh, số còn lại chưa được điều trị khỏi bệnh và chưa được hướng dẫn phòng bệnh, điều trị chăm sóc tiếp theo một cách đầy đủ.

Trong nhiều trường hợp, số tiền bệnh nhân trốn viện không đóng viện phí không cao (dưới 100 ngàn đồng), mức từ 1 triệu đồng trở lên không đáng kể (chỉ 13 trường hợp). Có bệnh nhân đã đóng tạm ứng viện phí trước khi trốn viện, nhưng số bệnh nhân chưa đóng vẫn chiếm tỷ lệ cao (hơn 57%). Theo thống kê, tình trạng trốn viện làm thất thoát viện phí xảy ra ở hầu hết các khoa, phòng, nhưng nhiều nhất vẫn tập trung tại phòng cấp cứu (31,3%), tiếp đến là khoa ngoại (chiếm 21%) và khoa nhi (19,9%). Riêng khoa y học cổ truyền lại không ghi nhận trường hợp nào.

Xác định nguyên nhân của tình trạng trốn viện, cử nhân Võ Thành Sơn cho rằng, nguyên nhân hàng đầu là do vấn đề viện phí (82,1% bệnh nhân thuộc diện thu viện phí). Ngoài ra, còn một số vấn đề có thể góp phần làm tăng tình trạng trốn viện như chỉ định nhập viện; giao tiếp của nhân viên y tế và nhân viên thu phí hoặc do thời gian chờ đóng viện phí quá lâu. Để hạn chế tình trạng trốn viện của bệnh nhân, cần phải có các giải pháp thực hiện như cải thiện kỹ năng giao tiếp của nhân viên; xây dựng tiêu chí nhập viện cho từng khoa, phòng; bố trí người bệnh nằm tại phòng lưu để theo dõi, điều trị đến lúc người bệnh có chỉ định nhập viện rõ ràng; tổ chức lại hệ thống thu viện phí; theo dõi sát viện phí và tạm ứng; nhắc nhở bệnh nhân đóng tạm ứng và viện phí; thành lập hội đồng xét miễn, giảm viện phí; tuyên truyền về lợi ích của BHYT; vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ bệnh nhân nghèo bằng hình thức mua BHYT…

Bệnh nhân trốn viện là hành động chẳng đừng mà các bệnh viện đều gặp phải. Tuy nhiên, với việc tự hạch toán của hầu hết các bệnh viện hiện nay, nếu không có giải pháp triệt để, kịp thời nhưng phải mang tính nhân văn, thì hiện tượng trốn viện vừa ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh lại vừa gây khó khăn cho các cơ sở điều trị!         

Bài và ảnh: Minh Thư


Ý kiến của bạn