Bố tôi năm nay 68 tuổi, mỗi khi ăn uống xong thường rất khó chịu, thậm chí đau bụng... Xin hỏi, bố tôi bị làm sao? Có cách nào giải quyết không? Uống thuốc có giúp cải thiện tình trạng bệnh không?
Đỗ Chiến Thắng (Nam Định)
Ăn ít giúp dễ tiêu. |
Theo như bạn nói trong thư thì có thể bác bị khó tiêu. Đây là một bệnh rất hay gặp, nhưng định nghĩa còn mơ hồ, thường gắn với hiện tượng khó chịu vùng thượng vị và đau bụng. Có thể đó chỉ là triệu chứng của một số bệnh như loét dạ dày, tá tràng, bệnh trào ngược dạ dày - ruột, ung thư dạ dày, viêm tuỵ mạn, sỏi mật. Tuy nhiên, ở nhiều bệnh nhân không tìm thấy bệnh toàn thân nào. Khi đó thường là bệnh khó tiêu không loét hay khó tiêu chức năng.
Điều đầu tiên với khó tiêu chức năng là nên tránh rượu, thuốc lá và một số thức ăn nặng, nên ăn ít, chia làm nhiều bữa, dùng các thực phẩm quen thuộc nhằm dễ tiêu. Những hiệu quả của thuốc trong khó tiêu chức năng rất khó đánh giá vì bệnh nhiều khi tự khỏi và hiệu ứng placebo lớn.
Các thuốc kháng acid và các chất đối kháng histamin H2 là loại thuốc hay được chọn đầu tiên. Các kháng acid thường làm hết triệu chứng và thường được tự điều trị. Các thuốc đối kháng H2 cho kết quả không khích lệ, nhưng hay được dùng để loại triệu chứng trào ngược. Nên dùng thuốc trong một thời gian ngắn, khi không có những triệu chứng rõ ràng về một bệnh toàn thân trước khi khám bệnh toàn diện. Tuy nhiên, việc dùng các chất đối kháng H2 có thể che lấp các triệu chứng ung thư dạ dày. Đối với người có tuổi thì nên khám toàn diện sớm.
Dùng các chất làm tăng nhu động ruột như: metoclopramid hay cisaprid nếu có nghi ngờ. Thuốc làm tăng nhu động ruột có hiệu quả hơn các thuốc đối kháng H2 trong khó tiêu chức năng. Một số người dùng các muối bismuth không tan và các thuốc kháng muscarin để chống co thắt. Hiện chưa rõ là Helicobater pylori có vai trò gì không trong khó tiêu chức năng, nhưng việc loại trừ ở những bệnh nhân có test Helicobater pylori dương tính cho thấy liệu pháp mang lại nhiều lợi ích và tránh cho bệnh nhân khỏi phải nội soi.
Tốt nhất bạn nên đưa bác đi khám ở phòng khám chuyên khoa tiêu hoá để được chẩn đoán và điều trị chính xác.
DS. Phạm Thiệp