Cách đây 40 năm, bà N. đã đi khám và phát hiện bướu tuyến giáp nhưng sợ nên không phẫu thuật. Gần đây, bướu chèn ép gây cảm giác khó chịu, khó thở, nuốt nghẹn nên đến Bệnh viện Bình Định khám.
Tại đây, bác sĩ chỉ định chụp CT vùng cổ, ghi nhận tình trạng bướu tuyến giáp chiếm trọn thùy trái, kích thước lớn 7x8 cm, chèn trung thất trên, đẩy khí quản, thực quản lệch phải trên nền bệnh nhân lớn tuổi, bệnh lý tim mạch... Do bướu tuyến giáp quá lớn, gây ảnh hưởng đến bệnh nhân nên các bác sĩ quyết định phẫu thuật để cắt bỏ.
Ê kíp phẫu thuật đã phối hợp với các chuyên khoa, gồm: Gây mê hồi sức, Nội tim mạch và Ung bướu nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp, đường huyết, hormon tuyến giáp, nhịp tim, ngăn ngừa biến chứng.
Sau đó, các bác sĩ sử dụng dao Ligasure để hàn mạch trong khi mổ. Đây là thiết bị giúp giảm tối thiểu tình trạng mất máu cũng như có thể bộc lộ rõ các cấu trúc quan trọng liên quan như: Động mạch cảnh, tĩnh mạch cảnh, thần kinh quặt ngược thanh quản… Ca phẫu thuật kéo dài hơn 40 phút, ê kíp mổ hết sức thận trọng và tỉ mỉ, bóc tách, cắt bỏ bướu tuyến giáp cho bệnh nhân N.
BSCKI Nguyễn Đức Thắng, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bình Định, cho biết bà N. có bướu cổ lớn chèn ép các cấu trúc đường thở, khí quản, thực quản, động tĩnh mạch cảnh, ngoài ra còn thòng xuống trung thất. Bướu lớn có nhiều mạch máu tăng, dễ gây các biến chứng trong mổ như: Chảy máu, khó khăn trong việc đặt nội khí quản, có thể bị suy hô hấp cấp, tổn thương cấu trúc cơ quan ở vùng cổ… Người bệnh có thể bị khàn tiếng hoặc mất giọng sau mổ.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân N. được theo dõi tại phòng hồi tỉnh, sức khỏe ổn định, nói chuyện không bị khàn tiếng. Bệnh nhân được xuất viện sau 2 ngày phẫu thuật.