Tuy nhiên, khó thở không chỉ biểu hiện của bệnh đường hô hấp mà còn gặp ở một số cơ quan khác, đôi khi khó thở là thể hiện trọng bệnh.
Ca bệnh điển hình
Trên thực tế lâm sàng, nhiều ca nhập viện vì khó thở, gần đây nhất, điển hình là trường hợp ông N.V.L. (55 tuổi, Lạng Sơn) thức dậy vì bỗng dưng khó ngủ, lúc đầu ông nghĩ do lớn tuổi. Tuy nhiên, theo lời ông kể lại, lần này, ông cảm thấy khó thở, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, bủn rủn tay chân. Vì còn khuya, ông L. ngại làm cả nhà thức giấc nên cố chịu đựng mà không gọi vợ và con. Gần sáng, những cơn đau ập đến, ngực trái ông L. đau dữ dội, cảm giác như bị bóp nghẹt, không thở nổi. Cơn đau liên tiếp xuất hiện ngày một dồn dập hơn, buộc ông L. phải gọi người nhà đưa đi bệnh viện. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Sau 2 tiếng được thực hiện cấp cứu tiêu sợi huyết, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và qua được cơn nguy kịch. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà các bác sĩ gặp tại cơ sở y tế.
Khi có dấu hiệu khó thở, tức ngực…, cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Khó thở do những bệnh lý nào?
Nói đến khó thở là mọi người nghĩ ngay đến bệnh của đường hô hấp nhưng không ít trường hợp khó thở là biểu hiện ở đường hô hấp nhưng bệnh cảnh lại xảy ra ở một cơ quan khác trong cơ thể.
Do bệnh hen phế quản:
Bệnh đường hô hấp gây khó thở gặp nhiều nhất là hen phế quản (viêm phế quản thể hen, hen suyễn). Hen suyễn là một bệnh có thể cấp tính hoặc mạn tính, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh hen suyễn thường thuộc bệnh dị ứng và kèm theo viêm phế quản. Khó thở trong hen suyễn thường khó thở ra. Khi lên cơn khó thở có kèm theo tiếng rít (do co thắt phế quản) và xuất tiết đường hô hấp gây ho, có đờm. Bệnh hen suyễn xảy ra quanh năm nhưng mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc gặp yếu tố thuận lợi (dị ứng nguyên) thì cơn hen xuất hiện. Bệnh hen suyễn cũng dễ nhầm lẫn với đợt cấp của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính bởi vì bệnh này khi lên cơn cơn cấp tính cũng gây khó thở, khò khè, ho. Ho có đờm đặc, màu vàng, xanh, ho thường trên 3 tháng/năm.
Bệnh viêm phế quản - phổi:
Khó thở trong bệnh viêm phế quản - phổi là khó thở xảy ra một cách từ từ, kèm theo khó thở thường là sốt cao. Bệnh viêm phế quản phổi hay gặp ở trẻ em (nhất là trẻ còi xương suy dinh dưỡng), người có tuổi và người suy giảm miễn dịch (người mắc bệnh AIDS). Khó thở cũng gặp ở những người bệnh khí phế thũng, tâm phế mạn. Trong các bệnh này, người bệnh khó thở gần như thường xuyên, môi tím (do thiếu dưỡng khí), mệt mỏi...
Do dị vật đường thở:
Là một bệnh gây khó thở vào điển hình do không khí khó hoặc rất khó vào phổi vì tắc nghẽn do dị vật. Dị vật đường thở có nhiều loại khác nhau, gặp chủ yếu ở trẻ em do khi trẻ dùng đồ chơi chẳng may bị rơi vào đường thở. Bệnh cũng có thể gặp ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, nhất là ở các cụ đã rụng răng khi ăn các loại thức ăn khó nhai, trơn (bánh trôi, chay) dễ dàng tuột vào đường thở gây khó thở cấp tính cần phải cấp cứu ngay tức thì. Khó thở do dị vật có thể gặp trong bệnh bạch hầu thanh quản (đây là bệnh bạch hầu ác tính do vi khuẩn Corynebacterium diphterie gây ra). Trong bệnh này, do giả mạc phủ kín, đầy niêm mạc thanh quản và khí quản kèm theo phù nề gây khó thở cấp tính phải cấp cứu ngay. Bệnh ở phổi gây khó thở không thể không kể đến bệnh lao.
Bệnh lao phổi mạn tính:
Cũng gây khó thở, nhất là bệnh lao hang, lao kê hoặc tràn dịch màng phổi do lao (tràn dịch màng phổi có nhiều nguyên nhân đều gây khó thở, trong đó tràn dịch do lao). Một số bệnh của phổi như ung thư phổi hoặc áp-xe phổi cũng gây khó thở, đôi khi gây khó thở dữ dội. Khó thở cũng có thể gặp ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng do dịch trong ổ bụng nhiều, ngăn cản di động của cơ hoành hoặc bệnh suy tim giai đoạn cuối cũng làm cho gan ứ máu, to ra đẩy cơ hoành lên làm cản trở di động của cơ hoành gây khó thở. Ngoài ra, khó thở cũng gặp ở bệnh nhân phù phổi cấp do bệnh của tim như hẹp, hở van tim, van động mạch chủ, tăng huyết áp tim trái... Ngoài ra, theo thống kê cho thấy, một số bệnh như đau dây thần kinh liên sườn, chấn thương lồng ngực, bệnh đường hô hấp trên như viêm amiđan, viêm thanh quản hoặc bệnh rối loạn cảm xúc (trầm cảm, lo lắng...) hoặc do urê máu cao, toan máu cũng có khả năng gây khó thở.
Cần xử trí đúng
Khó thở có thể là cấp tính, có thể là mạn tính. Trong các trường hợp cấp tính như dị vật đường thở, hen suyễn cấp tính, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tràn khí màng phổi..., cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, nếu chần chừ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Nếu khó thở nhẹ, xảy ra từ từ thì cần đưa người bệnh đến khám ở các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên khoa (chuyên khoa tim mạch, hô hấp, tai mũi họng...). Sau khi khám bệnh thì người bệnh nên dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ và các tư vấn kèm theo. Không nên tự mua thuốc để điều trị bất luận là thuốc tây y hay thuốc đông y hoặc thuốc nam, bởi vì làm như vậy không những bệnh không khỏi mà đôi khi bệnh còn nặng hoặc nguy hiểm thêm, chưa nói đến việc tốn kém về mặt kinh tế. Cần đi khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ khám bệnh để được kiểm soát bệnh và khống chế bệnh thuận lợi hơn.
Để giảm tình trạng mắc các bệnh mạn tính cũng như nâng cao thể trạng, hằng ngày cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, giảm bớt chất béo đưa vào cơ thể; vận động thường xuyên bằng các bài tập nhẹ nhàng đơn giản, đừng gắng sức - đặc biệt là các bệnh nhân có tiền sử về tim mạch. Bác sĩ khuyên bạn nên đi bộ ít nhất 3 lần/tuần, với 20 phút/lần và nên nhớ thực hiện một vài động tác khởi động trước khi đi bộ để đảm bảo rằng cơ thể đã sẵn sàng cho việc vận động. Khi có biểu hiện mắc bệnh, tuyệt đối không được tự ý điều trị bằng các loại thuốc Đông y hay Tây y, không những không trị được bệnh mà còn khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.