Khó thở cảnh giác với bệnh hẹp van hai lá

28-07-2025 05:25 | Phòng mạch online

SKĐS - Hẹp van hai lá là bệnh van tim thường gặp nhất và còn là bệnh phổ biến ở nước ta. Hẹp van hai lá nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh.

Van hai lá là ‘cánh cửa’ nối thông nhĩ trái - thất trái. Hẹp van hai lá là khi có giảm diện tích mở van, gây cản trở di chuyển của dòng máu giàu oxy từ nhĩ xuống thất. Qua đó làm giảm lượng oxy cung cấp cho cơ thể.

Nguyên nhân gây hẹp van hai lá

Nguyên nhân chủ yếu gây hẹp van hai lá là thấp tim, thường xảy ra ở nhóm trẻ từ 5 -15 tuổi. Một số rất nhỏ do bẩm sinh, vôi hóa, bệnh tự miễn…

Khó thở là triệu chứng nổi bật của bệnh hẹp van hai lá

Khó thở là triệu chứng khá nổi bật của hẹp van hai lá. Khó thở khi gắng sức thường xuất hiện sớm nhất, có thể kèm ho và tiếng thở rít. Dần dần, người bệnh có cơn khó thở kịch phát về đêm và khó thở khi nằm (phải kê nhiều gối). Nặng nhất là cơn phù phổi cấp.

Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như: Ho ra máu do vỡ tĩnh mạch phế quản; hồi hộp đánh trống ngực do loạn nhịp nhanh, nặng có thể gây choáng ngất; cảm giác ngực bị bóp nghẹt; mệt mỏi, uể oải; khàn tiếng (giai đoạn muộn); viêm phế quản - viêm phổi dai dẳng, dễ tái phát.

Đôi khi, biểu hiện đầu tiên của bệnh là các biến chứng như tai biến mạch não,…

Khi có các triệu chứng nghi ngờ nói trên, người bệnh nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Khó thở cảnh giác với bệnh hẹp van hai lá- Ảnh 1.

Hẹp van hai lá là bệnh van tim thường gặp nhất và còn là bệnh phổ biến ở nước ta.

Hẹp van hai lá gây biến chứng gì?

Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, hẹp van hai lá có thể có rất nhiều biến chứng, như:

Suy tim: đây là biến chứng hầu như sẽ xảy ra nếu bệnh không được điều trị sớm và triệt để. Phù phổi cấp gây khó thở dữ dội, ho khạc bọt hồng, đe dọa trực tiếp tính mạng.

Rung nhĩ: là biến chứng phổ biến nhất. Tần suất tăng dần theo tuổi. Tắc mạch hệ thống (não, thận, chi...) do hình thành huyết khối trong tim trái. Khoảng một nửa trong số này là tắc mạch não dẫn tới hôn mê, liệt nửa người. Ngoài ra, có thể tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim; tắc mạch thận gây suy thận; tắc mạch chi dưới gây đau- chân tím- lạnh đòi hỏi phải mổ cấp cứu. Hiếm gặp hơn, khi huyết khối quá to làm nghẽn hoàn toàn van hai lá có thể gây đột tử…

Các biện pháp điều trị hẹp van hai lá

Điều trị nội khoa:

Dự phòng thấp tim thứ phát.

Hạn chế gắng sức.

Thuốc: thuốc lợi tiểu (furosemide), thuốc làm giảm nhịp tim (chẹn beta giao cảm), thuốc trợ tim (digitalis), thuốc giãn mạch, …

Nong van hai lá bằng bóng qua da: là phương pháp hàng đầu được lựa chọn để điều trị cho các bệnh nhân hẹp van hai lá nặng. Đây là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, thực hiện bằng cách đưa một dụng cụ đặc biệt từ tĩnh mạch đùi, luồn vào tới van hai lá và mở rộng lỗ van mà không cần mở ngực.

Phẫu thuật thay van hai lá: thay van hai lá cơ học hoặc sinh học khi không thể nong van hoặc có chống chỉ định của nong van.

Người bệnh tim có uống cà phê được không?Người bệnh tim có uống cà phê được không?

SKĐS - Uống cà phê sáng là thói quen của nhiều người để khởi đầu ngày mới trong nhịp sống hiện đại. Vậy người bệnh tim mạch có nên uống cà phê không?

BS Minh Quân
Ý kiến của bạn