Kho tàng văn nghệ dân gian Việt Nam: Bức tranh có nhiều nét mới

06-01-2009 06:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Với 62 giải thưởng được trao, mùa giải Văn nghệ dân gian 2008 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều đóng góp mới của các tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước vào kho tàng văn hóa dân gian vốn đã vô cùng phong phú của dân tộc.

Với 62 giải thưởng được trao, mùa giải Văn nghệ dân gian 2008 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều đóng góp mới của các tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước vào kho tàng văn hóa dân gian vốn đã vô cùng phong phú của dân tộc.

Nếu xét về số lượng, mùa giải năm nay không phải là một vụ mùa bội thu, chỉ với 78 công trình đủ tiêu chuẩn xét giải bao gồm 31 công trình thuộc lĩnh vực ngữ văn và lý luận văn nghệ dân gian; 36 công trình thuộc lĩnh vực phong tục, địa chí, hội làng; 5 công trình thuộc nghệ thuật trình diễn và 6 công trình thuộc lĩnh vực tri thức dân gian. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự chuyển biến mạnh mẽ và tích cực trong chất lượng của các tác phẩm tham dự và đoạt giải. Theo GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các công trình dự giải năm nay có chất lượng học thuật cao và đồng đều tuy chưa có công trình vượt trội. Điều này thể hiện ở con số có tới 12 công trình nghiên cứu bên cạnh các công trình sưu tầm, biên soạn. Đây là con số chưa từng có ở các năm trước, cho thấy sự hưởng ứng tích cực của giới các nhà khoa học chuyên ngành. Phần lớn các công trình này được thực hiện quy mô, có sự đầu tư lớn, tập trung khảo sát sâu, tìm hiểu kỹ những giá trị tiềm ẩn của một hiện tượng hay một hình thức văn hóa văn nghệ dân gian nào đó thay vì chỉ sưu tầm và biên soạn thông thường. Đó là các công trình nghiên cứu như “Tìm hiểu đồng dao người Việt”, “Mạch sống của hương ước trong làng Việt Trung Bộ”, “Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay”...

Mô phỏng đám ma của người Mường tại Bảo tàng dân tộc học.
 
Công trình tiêu biểu nhất, đoạt giải nhì A năm nay (không có giải nhất) là Khắp thống đẳm (Hát tiễn hồn về mường Tổ tiên) của dân tộc Tày thượng ở Bằng La, Nghĩa Lộ, Yên Bái do tác giả Hà Đình Tỵ sưu tầm và biên dịch. Công trình dày gần 400 trang A4, lần đầu tiên được công bố dưới dạng chữ viết. Ông Hà Đình Tỵ cho biết, công trình sưu tập những lời diễn xướng của người Tày thượng trong lễ tiễn hồn người chết lên với mường của tổ tiên. Theo quan niệm của người Tày, dưới đất là mường của người trần gian, trên trời là mường của Then Luông (ông trời), còn khoảng không giữa trời và đất là mường của tổ tiên. Người Tày khi chết, tang lễ sẽ diễn ra trong 3 đêm. Đêm thứ nhất, tiễn đưa một phần hồn về nhà mồ. Đêm thứ hai, tiễn đưa phần hồn nữa lên với tổ tiên. Đêm thứ ba, tiễn đưa phần hồn còn lại lên trời. “Khắp thống đẳm” là những lời hát trong đêm thứ hai - tiễn hồn lên với mường của tổ tiên. Toàn bộ diễn xướng trong đêm hợp thành một câu chuyện kể lại thời khai thiên lập địa để lý giải nguồn gốc con người đồng thời mô tả cảnh sống trong mường của tổ tiên, nơi một phần hồn con người sẽ đến đấy trú ngụ. Đây không chỉ là tác phẩm phản ánh văn hóa tâm linh của người Tày nói riêng mà của cả các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung. Nó đã được truyền khẩu qua nhiều đời dưới dạng truyện thơ. Lần đầu tiên nó được một thầy giáo có lòng say mê và tâm huyết với văn hóa dân gian bỏ công sưu tầm và biên dịch với mong muốn lưu giữ lại một nét văn hóa độc đáo đang có nguy cơ mai một. GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh nhận xét: Tác phẩm này đã đóng góp một mảng mới, rất độc đáo và quan trọng vào kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam.

Một công trình khác, có tính học thuật cao và thể hiện sự hợp tác có hiệu quả giữa các nhà khoa học với các trí thức dân tộc địa phương là công trình Phiên âm văn bản Nôm Dao và dịch ra tiếng Việt truyện thơ Đặng Hành và Bàn đại hội nổi tiếng của dân tộc Dao ở Thanh Hóa – Việt Nam của nhóm tác giả: GS. Trần Trí Dõi và Triệu Thị Nga, Triệu Phúc Xuân (người dân tộc Dao). Tác phẩm gồm 632 câu thơ 7 chữ, ghi lại lịch sử chuyển cư của dân tộc Dao từ thế kỷ thứ 10 đến nay qua nhiều vùng đất khác nhau ở miền Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Việc phiên âm và dịch tác phẩm này từ tiếng Nôm Dao ra tiếng Việt đã cung cấp nhiều tư liệu quan trọng cho nghiên cứu văn hóa dân gian, lịch sử ngôn ngữ học, lịch sử địa lý cũng như phong tục tập quán của tộc người. Bên cạnh đó, các công trình khác như “Lễ giải hạn cầu an của người Tày”, “Bùa yêu của dân tộc Mường”, “Lời răn người của dân tộc Thái”... cũng được đánh giá cao, thể hiện sự dày công sưu tầm nghiên cứu của nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp về văn hóa dân gian.

Với những đóng góp mới mà kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian nhận được trong mùa giải năm nay, có thể tự tin để khẳng định rằng, kế hoạch “Tầm nhìn 2010” do Hội Văn nghệ dân gian đề ra về thống kê và bảo tồn vốn liếng của cha ông để lại sẽ thành công rực rỡ, bức tranh văn hóa dân gian của các dân tộc Việt Nam đến năm 2010 sẽ thực sự phong phú và đậm đà những nét mới.

Bảo Trân


Ý kiến của bạn