Khoảng 75% những người được khảo sát thừa nhận mình mang nỗi sợ này. Thống kê ở riêng Hoa Kỳ cho thấy cứ 10 người dân Mỹ thì có 4 người bày tỏ rằng họ lo sợ mỗi khi phải thuyết trình ở nơi đông người. Vậy nỗi sợ này thực chất là gì?
“Glossophobia” là thuật ngữ chuyên ngành tâm lý học để miêu tả tình trạng sợ nói trước công chúng. Đây là một tên gọi có xuất xứ từ tiếng Hy Lạp, được kết hợp từ từ “glôssa” (nghĩa là cái lưỡi) và từ “phobos” (nghĩa là nỗi sợ). Những người sợ nói trước công chúng có xu hướng cảm thấy căng thẳng hoặc tê cứng người mỗi khi phải đối diện với một đám đông khán giả - kể cả khi đám đông đó chưa đến chục người.
Theo nhà tâm lý học Barbara Fish đến từ Đại học Toronto (Canada), nỗi sợ này không chỉ ảnh hưởng đến những người làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động nói hoặc diễn thuyết trước công chúng. Nó chính là nỗi sợ của một em học sinh đang thầm mong thầy cô đừng gọi tên mình lên phát biểu hoặc trả bài. Nó thường xảy ra trong các cơ quan công sở, nơi mà nhân viên luôn hốt hoảng khi bị yêu cầu thuyết trình trong một cuộc họp với ban lãnh đạo. Nó gắn liền với những người đi xin việc đầy lo lắng khi phải tham gia những cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Nếu không khắc phục được nỗi sợ nói trước công chúng, chúng ta có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá trong cuộc đời liên quan đến các lĩnh vực học tập, trau dồi nghề nghiệp, phát triển tư duy, thăng quan tiến chức, và cả hạnh phúc cá nhân.
Biểu hiện của nỗi sợ nói trước đám đông
Nỗi sợ nói trước công chúng không xảy ra một cách thường trực. Nó chỉ xuất hiện mỗi khi người mang nỗi sợ này sắp phải tham gia vào một công việc hay sự kiện yêu cầu họ phải thuyết trình trước đám đông. Khi đó, họ cảm thấy bị đe dọa, khiến cho cơ thể có phản ứng sản sinh ra adrenaline và steroid. Điều này làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến sự gia tăng huyết áp và nhịp tim để bơm máu đến các cơ. Từ đây, những biểu hiện của người sợ nói trước công chúng gồm có:
- Cảm giác hồi hộp và sợ hãi khi phải mở lời trước đám đông khán giả.
- Liên tục có những suy nghĩ tiêu cực về những tình huống đáng xấu hổ có thể xảy ra với bản thân trong khi đang thuyết trình.
- Căng cơ - đặc biệt các cơ ở vùng cổ và lưng.
- Giọng nói lí nhí hoặc yếu ớt, thở hổn hển hoặc nói không ra hơi.
- Một số người có biểu hiện hoảng hốt tột độ khi đang nói.
- Cơ thể họ rơi vào tình trạng “tim đập chân run”, mồ hôi nhễ nhại, mặt đỏ bừng, khô miệng, cảm giác nôn ói, chóng mặt hoặc mệt mỏi, đau bao tử, có biểu hiện đi tiểu nhiều trước hoặc sau hoạt động thuyết trình trước đám đông.
Nguyên nhân của nỗi sợ nói trước đám đông
Theo các chuyên gia tâm lý, nhiều người sợ nói trước đám đông vì họ sợ bị người khác phán xét, sợ xấu hổ, sợ bị chê bai hoặc khước từ. Nguyên nhân của những nỗi sợ này có thể xuất phát từ nhiều trải nghiệm không vui trong quá khứ, chẳng hạn như họ từng bị la mắng hoặc bẽ mặt vì một phần thuyết trình không hoàn hảo trước lớp, hoặc từng bị buộc phải trình bày điều gì đó trước đám đông mà không có nhiều thời gian chuẩn bị để rồi hứng chịu kết quả không mong đợi.
Các nhà tâm lý học vẫn đang nghiên cứu giả thiết cho rằng nỗi sợ nói trước đám đông có thể có nguồn gốc di truyền. Chẳng hạn, trong một công trình nghiên cứu của nhà khoa học Thierry Steimer đăng trên tạp chí Dialogues in Clinical Neuroscience vào năm 2002, những chú chuột thí nghiệm ít bị chi phối bởi các nỗi sợ hoặc rối loạn lo âu cũng sẽ sinh ra những lứa chuột con không mắc phải những nỗi sợ đó. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu quy mô và cụ thể hơn để khẳng định tính chất di truyền của nỗi sợ nói trước đám đông.
Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm của Viện nghiên cứu Sức Khỏe Tinh Thần Hoa Kỳ khám phá ra rằng bộ não của những người mắc phải các chứng sợ xã hội - bao gồm nỗi sợ nói trước công chúng - có phản ứng mãnh liệt hơn người bình thường mỗi khi họ nghe thấy những lời bình phẩm tiêu cực của người khác về mình. Phần não bị ảnh hưởng là những phân khu chuyên trách về xử lý cảm xúc và các hoạt động tự đánh giá, tự phê bình của con người. Phản ứng mãnh liệt này không xuất hiện ở những người không mang nỗi sợ.
Khắc phục nỗi sợ nói trước đám đông
Tùy vào từng trường hợp, nỗi sợ nói trước đám đông có thể được khắc phục bằng các liệu pháp tâm lý, bằng thuốc, hoặc đơn giản hơn là các kỹ thuật tự giúp (self-help techniques). Nếu nỗi sợ này kéo dài hơn sáu tháng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, việc tham vấn bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý là điều cần thiết.
Đã có nhiều người vượt qua được nỗi sợ nói trước đám đông bằng các liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioural therapy - CBT). Nhà trị liệu tâm lý có thể giúp bạn xác định được chính xác nguyên nhân của nỗi sợ và những suy nghĩ tiêu cực gắn liền với nó để từ đó, họ dẫn dắt bạn định hình lại suy nghĩ của mình một cách đúng đắn và tích cực hơn. Trong trường hợp các liệu pháp tâm lý vẫn không có tác dụng, bác sĩ có thể đề xuất giải pháp dùng thuốc - đặc biệt khi nỗi sợ nói trước đám đông của bạn có liên quan đến những chứng rối loạn tâm lý khác như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Bản thân bạn có thể áp dụng các chiến lược và kỹ thuật tự giúp để vượt qua nỗi sợ nói trước công chúng. Bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học về nghệ thuật giao tiếp và nói trước công chúng để được huấn luyện các kỹ năng làm chủ bản thân và tự tin trước đám đông.
Lời khuyên hàng đầu mà các bác sĩ lẫn các diễn giả chuyên nghiệp dành cho chúng ta để khắc phục nỗi sợ nói trước công chúng chính là hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi nói. Nếu có thể, bạn nên luyện tập lại phần thuyết trình của mình một lần cuối trước khi chính thức đối diện với khán giả. Không nên ăn quá no hoặc sử dụng caffeine trước buổi nói chuyện. Nếu được, bạn nên dành thời gian tham quan địa điểm thuyết trình và làm quen với không gian ở đó trong thời gian chuẩn bị. Nếu bạn có sử dụng laptop, máy chiếu hoặc các loại đạo cụ khác, hãy đảm bảo rằng chúng được cung cấp đầy đủ và hoạt động suôn sẻ trong ngày thuyết trình.
Cảm giác lo âu hoặc hồi hộp khi nói trước đám đông là một hiện tượng hoàn toàn bình thường mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Hãy học cách chấp nhận và thích nghi với những cảm giác này để từ đó, chúng ta làm việc cẩn thận và hiệu quả hơn mỗi khi giao tiếp với đám đông.