Khổ qua là tên thuốc trong y học cổ truyền từ quả mướp đắng. Các nhà khoa học trên thế giới như Ấn Độ, Philipinnes, Brazil đã phát hiện trong quả mướp đắng có thành phần hóa học - chất charantin có tác dụng hạ đường huyết và nhiều tác dụng khác có lợi cho việc điều trị bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, quả mướp đắng dùng ăn sống sẽ hấp thụ toàn bộ giá trị dinh dưỡng là phương pháp tốt để tận dụng nguồn vitamin C phong phú cùng với nhiều loại acid amin cần thiết cho cơ thể. Nghiên cứu gần đây phát hiện, mướp đắng có tác dụng giải trừ chất béo, mỗi ngày ăn từ 2 - 3 quả mướp đắng sẽ giúp bạn chống béo phì. Quả mướp đắng khi còn xanh chứa 188mg vitamin C. Nếu để chín, hàm lượng này giảm còn một nửa. Quả còn nhỏ có hàm lượng vitamin C cao hơn khi quả to. Bảo quản ở nhiệt độ lạnh có thể để được 4 tuần vẫn không ảnh hưởng đến hàm lượng của loại vitamin này.
Theo y học cổ truyền, khổ qua có vị đắng, tính lạnh không độc có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, tiêu khát, nhuận tràng, giảm ho, lợi tiểu, giảm đau, trừ độc, rất tốt cho những trường hợp ăn khó tiêu, bụng đầy tức...
Thuốc thanh nhiệt, kiện tỳ, mát gan: quả mướp đắng ăn sống hoặc nhồi thịt băm đem hấp chín, ăn nóng.
Chữa ho, miệng khát, phiền nhiệt: mướp đắng 1-2 quả băm nhỏ, nấu với 400ml nước còn 100ml nước, uống làm hai lần trong ngày.
Chữa tiểu đường: quả mướp đắng còn xanh thái mỏng, phơi khô, tán bột. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4-6g. Uống sau bữa ăn.
Chữa rôm sảy: mướp đắng 2-3 quả, thái nhỏ, nấu nước tắm, lấy bã xát nhẹ trên da.
Chữa chốc đầu: nước ép quả mướp đắng bôi hàng ngày.
Kiêng kỵ: mướp đắng tính hàn, vì thế người có tỳ vị suy yếu không nên dùng, ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng nên thận trọng.