Khó phát hiện bệnh giun chỉ bạch huyết - Vì sao?

08-11-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Giun chỉ có chu kỳ phát triển qua 2 vật chủ là người và tiết túc. Giun chỉ ở người có vật chủ phụ là muỗi, được chia làm 2 nhóm...

Giun chỉ có chu kỳ phát triển qua 2 vật chủ là người và tiết túc. Giun chỉ ở người có vật chủ phụ là muỗi, được chia làm 2 nhóm: nhóm giun chỉ ký sinh dưới da và tổ chức; nhóm giun chỉ ký sinh ở bạch huyết. Ở nước ta chỉ gặp giun chỉ bạch huyết.

Đặc điểm loại giun chỉ gây bệnh ở Việt Nam

Có 2 loại giun chỉ bạch huyết gây bệnh ở Việt Nam là Wuchereria bancrofti và Brugia malayi. Giun trưởng thành có hình sợi, màu trắng hoặc trắng sữa. Con đực dài 4cm, rộng 0,1mm. Con cái dài 8 - 10cm, rộng 0,25mm, sống cuộn với nhau trong hệ bạch huyết. Rất khó phân biệt giữa 2 loại ký sinh ở người. Trong con giun có các bộ phận cấu tạo đơn giản, riêng tử cung chiếm phần lớn thân, chứa nhiều bọc có ấu trùng. Trứng nằm trong màng bọc rất mỏng trong có ấu trùng, ấu trùng chỉ cử động mạnh là ra khỏi trứng. Ấu trùng có phần đầu và đuôi.

​Chu trình lây nhiễm giun chỉ bạch huyết.

Giun trưởng thành ký sinh ở hệ bạch huyết, ấu trùng sống ở hệ tuần hoàn máu. Giun cái đẻ ra ấu trùng, ấu trùng từ hệ tuần hoàn bạch huyết sang hệ tuần hoàn máu và thường xuất hiện ở máu ngoại vi về ban đêm, khoảng từ 21 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. Khi muỗi hút máu người, ấu trùng chủ động nhanh chóng xâm nhập vòi muỗi để vào dạ dày. Ở dạ dày muỗi, sau 2 - 6 giờ, ấu trùng xuyên qua dạ dày và để lớp áo lại. Sau 15 giờ, ấu trùng di chuyển tới vùng cơ ngực muỗi. Sau 14 ngày, ấu trùng lại thay vỏ thành ấu trùng giai đoạn IV, ký sinh ở vùng tuyến nước bọt của muỗi chờ cơ hội xâm nhập vào người. Sau khi muỗi hút máu người truyền ấu trùng giun chỉ vào máu ngoại vi, từ đó ấu trùng theo máu vào ký sinh ở hệ bạch huyết để phát triển thành giun trưởng thành. Thời gian từ khi nhiễm đến khi xuất hiện ấu trùng trong máu là khoảng từ 3 - 7 tháng. Loại giun chỉ Wuchereria bancrofti thường ký sinh ở hạch vùng sinh dục và hạch vùng thận. Còn giun chỉ Brugia malayi thường ký sinh ở hạch vùng bẹn hoặc nách. Ấu trùng có thể tồn tại ở hệ tuần hoàn máu tới 10 tuần rồi chết nếu không được muỗi hút. Giun trưởng thành có tuổi thọ khoảng 10 năm.

Muỗi truyền bệnh giun chỉ là loại hút máu về ban đêm, sinh sống ở các hồ ao có bèo.

Khó phát hiện bệnh

Thời kỳ ủ bệnh: kéo dài 5 - 7 năm, bệnh nhân không thấy triệu chứng gì, có thể tình cờ xét nghiệm có ấu trùng ở máu ngoại vi. Bệnh nhân có thể thấy nổi mẩn nhẹ.

Thời kỳ phát bệnh: có thể kéo dài nhiều năm, bệnh nhân có sốt, sau vài ngày viêm hệ bạch huyết, xuất hiện đường viêm đỏ, đau dọc theo bạch mạch, thường là mặt trong chi dưới. Các đợt viêm hệ bạch huyết ngày càng tăng. Các hạch bẹn, hạch nách hoặc các bạch mạch nổi cứng. Nếu mắc bệnh do Wuchereria bancrofti, bệnh nhân thường đái ra dưỡng chấp do mạch bạch huyết vỡ vào bể thận, nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi lẫn máu. Trường hợp lượng dưỡng chấp trong nước tiểu nhiều, để lâu nước tiểu có thể đông lại. Hiện tượng phù voi dần xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Trong khi mắc bệnh do Brugia malayi, bệnh nhân thường bị phù voi ở chi dưới. Xét nghiệm máu có thể thấy ấu trùng giun chỉ.

Thời kỳ di chứng: bệnh nhân không còn các đợt viêm bạch mạch cấp nhưng các hạch bạch huyết to lên thường xuyên. Có các đợt phù một chân hoặc một tay hoặc phù sinh dục, phù cứng. Ở thời kỳ này ít khi tìm thấy ấu trùng trong máu ngoại vi.

Xét nghiệm máu tìm ấu trùng giun chỉ: lấy máu về ban đêm (từ 21 giờ đến 2 giờ sáng) làm tiêu bản giọt dày nhuộm giemsa hoặc soi tươi tìm ấu trùng giun chỉ là phương pháp thông dụng nhất. Nhưng nếu mật độ ấu trùng trong máu ít thì sác xuất dương tính sẽ thấp. Xét nghiệm nước tiểu tìm ấu trùng: khi bệnh nhân đái ra dưỡng chấp, lấy nước tiểu ly tâm lấy cặn nhuộm soi.

Điều trị như thế nào?

Chủ yếu là diệt thể ấu trùng của giun chỉ. Hiện nay, thuốc được dùng rộng rãi, an toàn và có hiệu quả cao là DEC (dietyl carbamazine). Các thuốc diệt giun trưởng thành hiện nay không được dùng vì độc tính với bệnh nhân. Điều trị triệu chứng: dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm. Nếu phù voi không điều trị nội khoa được có thể điều trị ngoại khoa, phối hợp điều trị chống nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa ký sinh trùng. Có thể dùng nước sắc lá cây dừa cạn để uống, tác dụng tốt với trường hợp đái ra dưỡng chấp.

Phòng bệnh cách nào?

Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là phát hiện sớm và điều trị triệt để cho bệnh nhân, khống chế nguồn lây nhiễm. Cần chú ý phòng chống muỗi đốt truyền bệnh. Tránh muỗi đốt như: nằm ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi. Tích cực diệt bọ gậy bằng các phương pháp sinh học, cơ học. Điều trị toàn dân tại các địa phương có bệnh giun chỉ lưu hành bằng DEC phối hợp với Albbendazol.

BS. Bùi Thị Thu Hương

 

 


Ý kiến của bạn