Hà Nội

Khó nuốt trôi "sạn" gameshow, quảng cáo

20-03-2020 07:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những hình ảnh, từ ngữ nhạy cảm đến phản cảm trong các gameshow, clip quảng cáo trên sóng truyền hình không còn hiếm thấy ở nước ta. Gần đây, những “hạt sạn” này tiếp tục diễn ra, dư luận không thể nuốt trôi và tiếp tục dậy sóng bức xúc.

Dù mới lên sóng truyền hình, gameshow Kèo này ai thắng đã bị phản ứng gay gắt. Đỉnh điểm là tập 7 vừa qua với sự tham gia của Miko Lan Trinh, Lê Dương Bảo Lâm, Nam Khánh; khán giả chỉ trích dữ dội vì hình ảnh dung tục khi một mẫu nữ ngậm củ cải trắng để khách mời ném dao vào củ cải. Theo đó, tại tiết mục ném dao, Hoàng Khang bịt mặt bằng bao vải đen và đứng từ một khoảng cách xa. Bia ném là củ cải trắng do một mẫu nữ ngậm trong miệng. Tiết mục sẽ chẳng có gì đáng phàn nàn nếu Hoàng Khang ném dao vào một tấm bia hay mục tiêu khác. Bởi hành động mẫu nữ ngậm củ cải quá dung tục, phảm cảm trên sóng truyền hình.

Kèo này ai thắng là một gameshow giải trí, được phát sóng vào giờ vàng buổi tối nên mọi lứa tuổi, đối tượng khán giả từ người lớn tuổi đến các em nhỏ đều có thể theo dõi. Chính vì thế, việc chương trình có hình ảnh người mẫu nữ ngậm củ cải bị chỉ trích dữ dội. Chứng kiến hình ảnh này, nhiều khán giả đánh giá đó là hình ảnh dung tục, gợi dục và dễ khiến các em nhỏ, lứa tuổi thanh thiếu niên bắt chước. Nhiều người cảm thấy ngán ngẩm và cho biết sẽ tẩy chay gameshow này, bởi nó không đem lại phút giây thư giãn như vốn có mà ngược lại, tiêm nhiễm vào suy nghĩ, cảm nhận giới trẻ những điều không tốt và lệch lạc.

Khó nuốt trôi sạn gameshow, quảng cáoCảnh phản cảm trong Kèo này ai thắng gần đây khiến khán giả bức xúc.

Không chỉ có gameshow, một số clip quảng cáo sản phẩm trên sóng truyền hình cũng bị chỉ trích dữ dội vì sự nhạy cảm. Gần đây, nội dung quảng cáo sản phẩm nước tăng lực lấy bối cảnh hai vợ chồng người dân tộc thiểu số. Nội dung xoay quanh câu hỏi của người vợ: “Mình đi đâu đấy”, với những câu trả lời của người chồng là “lên núi, lên nóc nhà”, người vợ cùng lúc đó sẽ đưa nước tăng lực với slogan: “Mình uống đi cho khỏe”. Điều đáng nói, đoạn cuối của quảng cáo, khi người chồng nói “lên giường ngủ”, người vợ vẫn với câu slogan: “Mình uống đi cho khỏe”. Xem clip quảng cáo này, rất nhiều ý kiến cảm thấy bức xúc, có khán giả đánh giá đây là quảng cáo vô duyên nhất, kém nhất đã từng xem. Tưởng là lạ, độc, hay hóa ra tác dụng ngược. Một số khán giả lại cho biết, cảm thấy ngượng khi xem quảng cáo này, nhất là đoạn cuối, khi có đông người trong gia đình. Quảng cáo quá vô duyên và thiếu sự tôn trọng khán giả.

Trên thực tế, trước đó cũng có nhiều clip quảng cáo có hình ảnh, lời thoại phản cảm khiến khán giả khó nuốt trôi. Điển hình là một đoạn clip quảng cáo về nước tăng lực với thời lượng 30 giây có thoại “ngon vãi là có thật” để minh họa cho sản phẩm. Nhiều phụ huynh lên tiếng, lời thoại này không phù hợp với người nghe, đặc biệt là với những trẻ em đang trong quá trình hoàn thiện vốn từ. Các bậc phụ huynh lo sợ con mình nếu nghe nhiều sẽ thành quen và bắt chước, áp dụng vào giao tiếp hàng ngày. Điều đó sẽ khiến các em nhỏ trở nên xấu xí trong lời ăn tiếng nói, ứng xử với bạn bè và người lớn tuổi.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Hương, các nhà đài hoặc tổ chức bất kỳ cần có sự chấn chỉnh ngôn ngữ, hình ảnh quảng cáo. Bởi vì ngày nay, trẻ em dễ tiếp xúc với nhiều phương tiện truyền thông. Các em nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi các cách nói, nhất là với những quảng cáo trên truyền hình. Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Hương cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng từ ngữ, hình ảnh nhạy cảm để quảng bá cho thương hiệu của mình, càng không nên bất chấp việc dùng ngôn từ khẩu ngữ, có phần thô tục để gây sự chú ý đối với người xem.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn