Nguyễn Hường Lý (Hưng Yên)
Khô miệng là tình trạng miệng khô một cách bất thường, do giảm sản xuất nước bọt. Có rất nhiều nguyên nhân gây chứng khô miệng, trong đó có việc dùng thuốc điều trị bệnh, mà thuốc trị dị ứng loratadin bạn đang dùng nằm trong số các thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng.
Nguyên nhân gây khô miệng của loratadin là do thuốc làm hạn chế một số receptor tới não, gây giảm tiết dịch trong cơ thể, trong đó có nước bọt. Vì vậy khi dùng thuốc kéo dài có nguy cơ khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi. Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin.
Nước bọt giúp nhai, nuốt, nếm và nói chuyện. Nếu nước bọt bị suy giảm (khô miệng) sẽ làm ảnh hưởng tới các hoạt động này. Nước bọt cũng giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách trung hòa axit của vi khuẩn, hạn chế vi khuẩn phát triển và rửa đi các mẩu thức ăn. Các enzym trong nước bọt còn trợ giúp tiêu hóa tốt... Vì vậy, nếu bị khô miệng kéo dài còn làm tăng nguy cơ sâu răng, mắc bệnh nướu răng, có thể lở loét trong miệng, nứt môi, miệng hôi, thậm chí suy dinh dưỡng (do gặp khó khăn trong nhai, nuốt và tiêu hóa)...
Như vậy, khô miệng là một triệu chứng nhưng có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng thể. Vì vậy, khi có hiện tượng khô miệng do dùng thuốc, nếu thoáng qua, bạn có thể nhai kẹo cao su không đường hoặc kẹo cứng để tăng sản xuất nước bọt; hạn chế uống cà phê, trà vì caffeine có trong các thức uống này có thể làm khô miệng; uống nước thường xuyên... khi ngừng dùng thuốc hiện tượng này sẽ hết. Nếu tình trạng khô miệng trầm trọng, bạn nên thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp, như thay thế thuốc khác không gây khô miệng hoặc dùng thuốc kích thích tiết nước bọt để khắc phục tình trạng khô miệng.