Nguyên nhân gây khô khớp cổ chân
Bệnh khô khớp cổ chân có thể gây nên do một số yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Do lão hóa: Tuổi cao các khớp xương của người bệnh sẽ dần bị bào mòn dẫn tới rách bao sụn, biến dạng các tổ chức sụn và gây nên tình trạng khô khớp.
- Do thoái hóa: Thoái hóa khớp sẽ khiến cho lớp sụn dần bị bào mòn và mất đi tính mềm mại, trở nên cứng, gây cọ xát và dễ chèn ép vào những lớp màng xương gây nên tiếng lạo xạo.
- Do lười vận động: Khi người bệnh ít vận động sẽ làm cho các khớp bị hỏng và dễ tổn thương.
- Do thừa cân béo phì: Trọng lượng cơ thể càng cao thì các khớp xương càng phải chống đỡ thêm nhiều áp lực và dễ dẫn tới tình trạng khô khớp.
Người mắc khô khớp cổ chân thường là người thuộc độ tuổi 60 trở lên, những người trẻ tuổi không được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thiếu hợp lý như sử dụng nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá hay vận động quá sức cũng dễ gây nên khô khớp, nhất là khớp cổ chân.
Biểu hiện của khô khớp cổ chân
Khi mới khởi phát, bệnh khô khớp thường rất khó phát hiện. Vì các triệu chứng thường không rõ ràng. Tuy vậy, nếu chú ý, người bệnh vẫn có thể nhận thấy một số dấu hiệu bất thường như:
- Đau khớp
Khi khởi phát, người bệnh sẽ bị đau nhẹ, thoáng qua tại khớp ảnh hưởng mỗi khi thực hiện những động tác co, duỗi, xoay khớp, thay đổi tư thế vận động đột ngột. Lâu dần, tình trạng đau khớp xuất hiện với tần suất dày đặc hơn. Mức độ đau khớp lúc này dữ dội hơn, mỗi khi vận động nặng, đi lại, chạy, nhảy…
- Cứng khớp
Ngoài cảm giác đau nhức, người bệnh còn bị căng cứng khớp. Đặc biệt vào buổi sáng, triệu chứng này sẽ càng nghiêm trọng, rất khó co duỗi khớp.
- Khớp phát ra tiếng
Khi thực hiện các cử động cơ thể, khớp cổ chân, khớp gối và khớp vai... sẽ phát ra tiếng lục cục, lạo xạo hoặc răng rắc. Đây là triệu chứng khô khớp dễ nhận biết nhất cần được chú ý.
- Hạn chế vận động
Khi khớp bị khô nghiêm trọng, những hoạt động của người bệnh thường bị hạn chế rất nhiều. Độ linh hoạt của khớp cổ chân khi đó cũng bị suy giảm.
Ngoài các triệu chứng khô khớp trên, một số trường hợp còn xuất hiện những triệu chứng liên quan tới viêm khớp như sưng, nóng, đỏ tại vùng da quanh khớp cổ chân.
Mặc dù khô khớp cổ chân không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng, về lâu dài khô khớp có thể sẽ phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng đối với cơ thể trong đó có thể làm hạn chế khả năng vận động các khớp: Các hoạt động như đi đứng, leo cầu thang, ngồi xuống đứng lên hay đơn giản là duỗi chân, cầm nắm,… cũng thực hiện khó khăn bởi chân luôn có cảm giác mệt mỏi và nhiều khi mất cảm giác.
Khi khớp cổ chân bị khô cũng gây nên hiện tượng đau nhức, khó chịu.
Trường hợp khô khớp phát triển nặng có thể gây nên teo cơ quanh khớp.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa bệnh khô khớp, đặc biệt khớp cổ chân cần thường xuyên vận động và luyện tập các bài tập với cường độ thích hợp. Tránh ngồi một chỗ quá lâu nếu là nhân viên văn phòng cần thường xuyên vươn vai, đi lại, co duỗi khớp… mỗi 30 phút/lần để ngăn ngừa nguy cơ khô khớp.
Cần sắp xếp cân đối giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Ngoài ra, không nên mang vác vật nặng quá nhiều để tránh tạo áp lực lớn lên các khớp, dễ dẫn tới tổn thương.
Nên ăn uống khoa học và luyện tập để giảm cân khi cần thiết. Thường xuyên xoa bóp để thư giãn và kích thích tăng tiết dịch nhầy ở các khớp. Điều trị khỏi các chấn thương và bệnh lý đang gặp phải.
Nên thường xuyên bổ sung vitamin C, vitamin D, omega-3, chất chống oxy hóa và canxi. Chúng giúp phòng ngừa và trị viêm, đau khớp rất tốt, đồng thời chống thoái hóa và kích thích tăng tiết dịch khớp bôi trơn hiệu quả.
Duy trì lối sống khoa học, tích cực kết hợp với thăm khám sức khỏe định kỳ là phương pháp tốt để phòng ngừa triệu chứng bệnh.