Khó khăn trong can thiệp sức khỏe bà mẹ vùng dân tộc thiểu số

05-12-2022 11:47 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Tỷ lệ tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc thiểu số cao gấp 4-5 lần so với nhóm người dân tộc Kinh. 7 trong số 10 tỉnh có tỉ số tử vong mẹ cao nhất giai đoạn 2016-2018 đều là các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu sốChính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ dân tộc thiểu số

SKĐS - Để khuyến khích phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ, sinh đẻ tại cơ sở y tế, các chính sách ưu tiên hiện được thực hiện rộng rãi như hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại, thực phẩm, tã bỉm… trong suốt thời kỳ trước, trong và sau đẻ.

Tỉ lệ bà mẹ đi khám thai rất thấp

Chương trình hợp tác giữa Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quĩ MSD cho các bà mẹ (MSD for Mothers) và Bộ Y tế (BYT) giai đoạn 2021-2024 thực hiện dự án "Không để ai bị bỏ lại phía sau: các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tử vong mẹ vùng dân tộc ít người tại Việt Nam". Dự án được triển khai tại 60 xã khó khăn nhất ở 6 tỉnh bao gồm 3 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông) và 3 tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn) với mục tiêu giảm tử vong mẹ tại một số tỉnh có nhiều dân tộc ít người sinh sống.

Nội dung chính của dự án là triển khai các can thiệp nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể và phù hợp với văn hóa của người dân tộc ít người. Để có cơ sở cho các can thiệp hiệu quả, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá các chỉ số đầu vào cho can thiệp giai đoạn 2021-2024 và xác định nhu cầu về cải thiện sức khoẻ bà mẹ (SKBM) tại các địa bàn dự án.

Khó khăn trong can thiệp sức khỏe bà mẹ vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Tỷ lệ đẻ tại nhà của một số nhóm dân tộc còn cao và có sự chênh lệch nhiều giữa các nhóm dân tộc.

GS.TS.BS Bùi Thị Thu Hà, Đại học Y tế Công cộng là trưởng nhóm nghiên cứu. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dân tộc và khu vực còn rất lớn. Tỷ số tử vong mẹ toàn quốc của Việt Nam đã giảm từ 68/100.000 trẻ đẻ sống năm 2000 xuống còn 43/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2017.

Tuy nhiên, tỉ số tử vong mẹ ở các nhóm dân tộc thiểu số còn cao ở mức 100-150/100.000 trẻ đẻ sống. Tỷ số tử vong mẹ ở người dân tộc Thái và Hmong cao gấp 4 – 5 lần so với nhóm dân tộc Kinh. Bảy trong số mười tỉnh có tỷ số tử vong mẹ cao nhất giai đoạn 2016 – 2018 đều là các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trên toàn quốc, 95% số bà mẹ được chăm sóc trước sinh và sinh con có người đỡ đẻ đã được thông qua đào tạo. Tuy vậy, tỷ lệ đẻ tại nhà của một số nhóm dân tộc còn cao và có sự chênh lệch nhiều giữa các nhóm dân tộc, dao động từ 20% - 90% (ví dụ trong nhóm người H'Mông: 77,4%; Xơ Đăng: 68%; Thái: 57,3%; Ba Na: 56,5%; Gia Rai:52,3%).

Nghiên cứu khác tại 60 xã khó khăn nhất ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên năm 2017 cho thấy nhóm dân tộc ít người (DTIN) và người sống tại vùng sâu vùng xa có tỷ lệ sử dụng dịch vụ CSSKBM thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước. Ví dụ như dịch vụ khám thai ít nhất bốn lần (16% so với 74%), sinh con có sự hỗ trợ của người đỡ đẻ được đào tạo (SBA) (49% so với 94%).

Nghiên cứu năm 2021 tại một số tỉnh miền núi cho thấy khoảng 34% phụ nữ dân tộc ít người được khám thai ít nhất 4 lần, dao động từ 8,3% trong nhóm người H'Mông đến 80,2% trong nhóm người Chăm ở An Giang.

Nguyên nhân của tình trạng này do văn hóa và giá trị kinh tế - xã hội của kết hôn sớm, sự kết hợp giữa yếu tố dân tộc và các đặc điểm kinh tế – xã hội khác như sống tại khu vực khó tiếp cận, trình độ học vấn thấp, tỷ lệ nghèo cao, tỷ lệ thất nghiệp lớn, mức sinh cao, tôn giáo, sống xa cơ sở y tế.

Khó khăn trong can thiệp sức khỏe bà mẹ vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Có khoảng 34% phụ nữ dân tộc ít người được khám thai ít nhất 4 lần.

Ở vùng miền núi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em chưa đảm bảo được tính sẵn có, khả năng chi trả, khả năng tiếp cận và tính chấp nhận đối với nhóm người dân tộc ít người. Các khu vực miền núi là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc ít người còn thiếu nhiều nhân viên y tế và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cơ bản. Điều này ảnh hưởng đến tính sẵn có và hiệu quả cung cấp dịch vụ. Ví dụ tại Điện Biên, chỉ có 24% trạm y tế có bác sĩ, 76% trạm y tế có nước sạch.

Khoảng cách xa khiến người dân ngại đến bệnh viện

Khoảng 1/4 người dân tộc ít người khi sử dụng dịch vụ y tế phải đi vay mượn tiền, bán vật dụng trong nhà hoặc ngưng sử dụng vì thiếu tiền chi trả. Khoảng cách từ nhà tới cơ sở y tế cũng được nhiều báo cáo đề cập đến là rào cản trong tiếp cận sử dụng dịch vụ bà mẹ tại khu vực miền núi.

Ví dụ trung bình người Hoa, Kinh mất 21 phút thì người dân tộc ít người mất 36 phút để tới bệnh viện huyện gần nhất Ngoài ra, dịch vụ CSSKBM cũng chưa phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu theo giới tính, cũng như nhu cầu cụ thể của người dân. Thông tin mà phụ nữ dân tộc ít người nhận được (qua lời nói hay chữ viết) đều chung chung, thiếu cụ thể, chưa phù hợp với hoàn cảnh của người sử dụng dịch vụ.

Về điều kiện vệ sinh môi trường, 3/4 số hộ gia đình (75,9%) ở 60 xã có nước sạch. Tuy nhiên, có 4 xã của tỉnh Lai Châu hiện chưa có nước sạch ở cả 100% số hộ gia đình bao gồm Pa Vệ Sủ và Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu), Nậm Chà (Nậm Nhún, Lai Châu), Tủa Sỉn Chải (Sìn Hồ, Lai Châu). Bên cạnh đó, có 3 xã của tỉnh Gia Lai có tỷ lệ nước sạch dưới 30% là Albá và HBông (Chư Sê, Gia Lai) và Đăk Pơ Pho (Kong Chro, Gia Lai). Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc năm 2020 (97,4%).

Về nhà tiêu hợp vệ sinh, trung bình có chưa tới 1/2 số hộ gia đình (44,9%) có hố xí hợp vệ sinh. Trong đó, có tới 12 xã có tỷ lệ hố xí chưa hợp vệ sinh đạt ≤20% như trong Phụ lục 8(Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tại 60 xã). Tỷ lệ có hố xí hợp vệ sinh tại 60 xã cũng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của toàn quốc năm 2020 (94,0%)

Về thu nhập, có tới 41,7% số hộ gia đình là hộ nghèo và 14,5% số hộ gia đình là cận nghèo. So sánh với tỷ lệ hộ nghèo trung bình cả nước năm 2020 (4,8%), tỷ lệ hộ nghèo tại 60 xã cao hơn gần 10 lần. Tóm lại, 56,2% số hộ gia đình trong nghiên cứu này có điều kiện kinh tế ở mức nghèo/ cận nghèo. Trong đó, có 4 xã có tỷ lệ nghèo trên 80% là Tung Qua Lin (Phong Thổ, Lai Châu), Ngọc Linh (Đắk Glei, Kon Tum), Đăk Ngo (Tuy Đức, Đắk Nông) và Pa Vệ Sủ (Mường Tè, Lai Châu).

Khó khăn trong can thiệp sức khỏe bà mẹ vùng dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Điều kiện giao thông khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trạm y tế quá xa là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ đẻ tại nhà của phụ nữ dân tộc thiểu số còn cao.

Về điều kiện đi lại, khoảng cách và thời gian từ thôn xa nhất tới trạm y tế (TYT) trung bình lần lượt là 20,5km với hơn 60 phút di chuyển. Trong đó có tới 16 xã có thời gian đi từ thôn xa nhất tới TYT hơn 90 phút (5 xã người dân vẫn phải đi bộ từ thôn xa nhất tới TYT), 11 xã có thời gian di chuyển là 60 phút.

Có tới 27 xã (45%) số xã có thời gian đi lại từ thôn xa nhất tới TYT ≥60 phút. Đây là khó khăn lớn của người dân tại các thôn bản này trong tiếp cận dịch vụ y tế. Tương tự như vậy, kết quả cũng cho thấy khoảng cách trung bình tới bệnh viện gần nhất của 60 xã nghiên cứu là 37,3 km với thời gian trung bình là 77,1 phút bằng xe máy. Kết quả cũng cho thấy 35 xã có thời gian đi từ TYT xã tới bệnh viện huyện cần ≥60 phút. Kết quả này phản ánh khó khăn nói chung của người dân tại 60 xã trong việc tiếp cận tới các dịch vụ y tế, đặc biệt là cấp cứu sản khoa khi cần.

Tỷ lệ bà mẹ có khám thai ít nhất một lần đạt 65,1% và ba lần đạt 56,4% số bà mẹ mang thai đã sinh tại 60 xã trong năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ khám thai 4 lần chỉ đạt 17,9%. Có 9 xã có tỷ lệ phụ nữ khám thai ít nhất 1 lần trong cả thai kỳ ≤1/3 là Đăk Trôi, Chiềng En, Bờ Ê, Pú Đao, Tả Ngào, Tá Bạ, Hra, Xím Vàng và Nậm Chà. Tương tự, có tới 13 xã (21,7%) số xã có tỷ lệ PNMT khám thai 3 lần trong cả thai kỳ đạt ≤1/3.

So sánh với tỷ lệ trong các nghiên cứu trước đây trên đồng bào dân tộc ít người ở Việt Nam thì tỷ lệ khám thai ≥3 lần thấp hơn hoặc tương đương. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc ít người ở khu vực Tây Nguyên khám thai ≥3 lần đạt 70% (22-24)còn tỷ lệ phụ nữ dân tộc ít người ở các khu vực miền núi phía Bắc khám thai ≥3 lần đạt 30-40%(16). Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ khám thai ≥4 lần chỉ đạt 17,1% thấp hơn nhiều so với 74,1% phụ nữ có khám thai ≥4 lần ở đồng bào dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng hay 54% ở đồng bào Mông.

Theo TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, để cải thiện các chỉ số chênh lệch sức khỏe bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền và dân tộc, chúng ta cần phải làm nhiều việc khác nhau. Tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở vùng sâu vùng xa cần có sự phối hợp các cấp các ngành. Chính phủ đã đầu tư nhiều hạng mục giao thông để khắc phục điều kiện về khoảng cách, cơ sở vật chất, trang thiết bị mạng lưới y tế cũng được đầu tư bài bản… Hy vọng các chỉ số tử vong mẹ và con, chỉ số suy dinh dưỡng thấp còi… sẽ được cải thiện trongthời gian tới.

Đội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu sốĐội ngũ cô đỡ thôn bản góp phần giảm tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Nhờ có đội ngũ cô đỡ thôn bản, hàng chục nghìn bà mẹ đã có thai kỳ an toàn, trẻ sơ sinh được chăm sóc đúng cách, giúp giảm thiểu tình trạng tử vong mẹ và con vùng dân tộc thiểu số và miền núi,

Xem thêm video đang được quan tâm:

Phòng Bệnh Hô Hấp Khi Thời Tiết Chuyển Lạnh


PV
Ý kiến của bạn