Hà Nội

Khó khăn khi cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ: ĐBQH chỉ rõ sự chồng chéo của 2 dự án luật

05-06-2023 16:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận tại Tổ góp ý vào dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nhiều ĐBQH đã quan tâm đến các quy định của loại hình nhà ở chung cư; việc xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Cần tháo gỡ ngay khó khăn về cải tạo chung cư cũ

Đóng góp ý kiến về vấn đề này tại Tổ 6, ĐBQH Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ là vấn đề gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ các bất cập về trình tự, thủ tục di dời cư dân ra khỏi các nhà nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập; lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; thống nhất phương án bồi thường, tái định cư sau khi lựa chọn được chủ đầu tư… kéo dài, phức tạp nên đại biểu kiến nghị, cần chú ý đến việc bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Đối với vấn đề tháo dỡ nhà chung cư cũ, theo đại biểu hiện nay đang có sự chồng chéo giữa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ mà theo quy hoạch được xây dựng lại thì các chủ sở hữu được bố trí tái định cư tại chỗ và phải đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư.

Khó khăn khi cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ: ĐBQH chỉ rõ sự chồng chéo của 2 dự án luật  - Ảnh 1.

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, điểm a khoản 3 Điều 79 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn giữa 2 luật.

Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, các cơ quan soạn thảo của 2 dự án luật này cần phối hợp rà soát, đề xuất phương án xử lý thống nhất nội dung nêu trên trong 2 dự thảo Luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với đất ở ổn định, lâu dài.

Khó khăn khi cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ: ĐBQH chỉ rõ sự chồng chéo của 2 dự án luật  - Ảnh 2.

Các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ 2.

Thảo luận tại Tổ 2, liên quan đến vấn đề nhà chung cư, nhiều ý kiến ĐBQH thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên về quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án cải tạo xây dựng nhà chung cư, các đại biểu cho biết, qua thực tế tại TP. HCM, quy định về thủ tục này có thể làm mất thêm thời gian và gây ra một số khó khăn cho các chủ đầu tư. Do đó cần phải xem xét để tiết giảm các thủ tục này qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án.

Xác định quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư cũng như người sở hữu rõ ràng

Thảo luận tại Tổ 9, ĐBQH Lương Văn Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý về giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 3 dự thảo giải thích "nhà ở cũ, bao gồm cả nhà chung cư". Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị quy định nội hàm nhà cũ theo niên hạn sử dụng, tức là nhà cũ là nhà đã qua sử dụng trên 30 năm kể từ khi được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng thì phù hợp hơn.

ĐBQH Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tại Tổ 13 cho biết, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có đánh giá tác động đầy đủ, khách quan quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Khó khăn khi cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ: ĐBQH chỉ rõ sự chồng chéo của 2 dự án luật  - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

ĐBQH Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH TP. HCM tại Tổ 2 cho rằng, dự thảo Luật lần này cần quan tâm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và các bên khi tham gia hợp đồng mua bán chung cư. Phản ánh về thực tế vừa qua có những phát sinh, tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo của khách hàng đối với các nhà đầu tư liên quan đến việc đóng góp liên quan đến lãi suất, việc chậm giao nhà, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng… Đại biểu Hà Phước Thắng đề xuất trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần bổ sung rõ thêm những nội dung mang tính nguyên tắc, cốt lõi về hợp đồng mua bán chung cư, đặc biệt về nghĩa vụ của các bên.

Khó khăn khi cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ: ĐBQH chỉ rõ sự chồng chéo của 2 dự án luật  - Ảnh 4.

ĐBQH Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH TP. HCM

Theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi cũng cần quy định việc phân chia quyền sở hữu chung, sở hữu riêng của các chủ đầu tư, các nhà đầu tư, của các khách hàng sở hữu căn hộ trong chung cư, sở hữu chung như thế nào? Người thuê lại sử dụng thì có quyền gì trong chung cư đó... Đại biểu Thắng cho rằng, cần phải phân biệt các quy định và có chế tài để làm căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, của người sở hữu, của người sử dụng các căn hộ chung cư hết sức rõ ràng.

Nhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hộiNhiều ĐBQH đề xuất mở rộng đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội

SKĐS - Trong phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) ngày 5/6, nhiều ĐBQH đã cho ý kiến về việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách của loại hình nhà ở xã hội.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn