Khó khăn của Nghệ An khi chống dịch ở thời điểm 'giao thời'

22-03-2022 13:19 |
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng người mắc không ngừng tăng, để đảm bảo thích ứng linh hoạt, tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch vừa trên địa bàn.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân

Số ca nhiễm mới tăng

Theo báo cáo của ngành y tế Nghệ An, hiện nay, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên toàn tỉnh, các hoạt động đời sống, kinh tế, xã hội đã dần chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt.

Tuy nhiên, từ sau Tết nguyên đán số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến với hàng ngàn ca mỗi ngày và rất nhiều F0 được phát hiện trong cộng đồng. Có thời điểm Nghệ An ghi nhận số bệnh nhân mắc COVID-19 mới vượt qua con số 10.000 ca/ngày, xếp thứ 2 toàn quốc.

Cũng theo ngành y tế Nghệ An thì lũy kế từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 359.089 ca mắc COVID-19. Số bệnh nhân (BN) điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 272.181 BN; Số BN tử vong: 156; Số BN hiện đang điều trị: 86.752.

Con số thống kê này chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm". Hiện có nhiều người mắc COVID-19 song không khai báo. Việc cập nhật ca nhiễm mới tại các địa phương thực hiện chậm… đơn cử là việc ngày 9/3 vừa qua, Sở Y tế Nghệ An đã đăng ký bổ sung 45.896 ca nhiễm mới.

Thời điểm "giao thời"

Trong cuộc họp mới đây do ngành y tế Nghệ An tổ chức, PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, thời gian vừa qua, dù bệnh nhân COVID có gia tăng, tuy nhiên tất cả bệnh nhân đều là người lớn tuổi, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19 và mắc bệnh nền.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.

Hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19 đều không có triệu chứng hoặc ở tình trạng nhẹ, được điều trị tại nhà. Số bệnh nhân phải vào điều trị tại 2 bệnh viện dã chiến và Trung tâm hồi sức tích cực số 1 Nghệ An (những nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch) giảm.

Cộng thêm việc bao phủ vaccine đã cho thấy xu hướng tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. 

Trong thời điểm "giao thời" này, nhiều quy định phòng, chống dịch đã không còn phù hợp so với tình hình dịch hiện nay, đòi hỏi có sự thay đổi. Ví dụ, kinh phí chi trả cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19 do ngân sách nhà nước đảm bảo song ngân sách hầu hết các địa phương rất khó khăn… Với diễn biến và xu thế của dịch bệnh, việc bình thường hóa trong công tác điều trị COVID-19 cần sớm đặt ra.

Ngày 14/3 vừa qua, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức họp cùng Sở Tài chính và BHXH để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn tạm thời triển khai Khu điều trị, cụ thể là liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện. Các sở, ngành tham gia lấy ý kiến chưa thể thống nhất được phương án kinh phí thực hiện, đâu là ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh COVID-19 và đâu là Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán…

Các sở, ngành đều thống nhất cao: Việc thiết lập khu điều trị là cần thiết, tốt cho người dân. Kinh phí thực hiện đều từ ngân sách. Song các quy định hiện hành không theo kịp với diễn biến của dịch. Sở Y tế, Sở Tài Chính và Bảo hiểm xã hội sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An để xin ý kiến hướng dẫn cụ thể triển khai.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Điều trị bệnh nhân COVID-19

Trước đó, ngày 09/3, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 1509/UBND-VX về việc thành lập khu thu dung và triển khai tiếp nhận bệnh nhân mắc các bệnh lý kèm nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An thống nhất với đề nghị của Sở Y tế về việc cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh công lập từ tuyến huyện trở lên (bao gồm cả các bệnh viện chuyên khoa) được tổ chức tiếp nhận, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc các bệnh lý (có kèm theo nhiễm COVID-19), đủ tiêu chuẩn điều trị nội trú tại đơn vị.

Không lơ là chống dịch

Để kịp thời kiểm soát, ngăn chăn dịch bệnh, mới đây, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 1064/TTCH-SYT đề nghị các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Vinh và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và TP Vinh tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt, toàn diện công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các quan điểm, chủ trương mới của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế; Ban chỉ đạo tỉnh và ngành Y tế; Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế, hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 "thần tốc, thần tốc hơn nữa"; tổ chức "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để tiêm chủng, không để sót, lọt đối tượng trong chỉ định tiêm. Đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ tuyến đầu

Xây dựng kế hoạch và sẵn sàng các nguồn lực để tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các địa điểm tập trung đông người,…

Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế: đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, khi tiếp xúc với người xung quanh; hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ; không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh,... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời.

Căn cứ diễn biến dịch trên địa bàn, huy động tối đã lực lượng tham gia Trạm Y tế lưu động phù hợp, đặc biệt các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể, tổ COVID cộng đồng, tổ chăm sóc COVID-19,.... hạn chế tối đa tình trạng bệnh nhân COVID-19 không được theo dõi sức khỏe thường xuyên, khó khăn trong tiếp cận các hỗ trợ về y tế, sinh hoạt.

Nghệ An: Triển khai quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 6.

Phẫu thuật lấy thai cho sản phụ mắc COVID-19 tại Trung tâm bệnh nhiệt đới - BV HNĐK Nghệ An

Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu hiện nay của tỉnh Nghệ An. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến. Nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch tại tầng 3. Tăng cường quản lý việc chăm sóc, điều trị tại nhà cho người nhiễm COVID-19, nhất là trẻ em và các trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, đảm bảo tất cả người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà phải được hướng dẫn, hỗ trợ y tế khi có yêu cầu.

Rà soát, đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị (đặc biệt tại tuyến cơ sở).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu COVID-19 - Thay đổi trong lối sống sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn


Khánh Tâm
Ý kiến của bạn