Hơn nửa thôn thuộc diện nghèo, cận nghèo
Nằm cách trung tâm xã Lương Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) khoảng 3km, thôn Chòm Mốt như một ốc đảo bị ngăn cách với cuộc sống bên ngoài bởi dòng sông Mã. Người dân Chòm Mốt muốn ra bên ngoài phải đi thuyền vượt sông, đi qua núi đá vôi dựng đứng dẫn sang xã Điền Lư, huyện Bá Thước và đi trên con đường đất lầy lội, trũng thấp, thường xuyên ngập nước và bùn dài hơn 3km dẫn sang xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy.
Anh Đỗ Văn Giáp (50 tuổi, trú thôn Chòm Mốt) làm công việc lái đò được gần 20 năm ở đây cho biết, người dân đa phần đi ra bên ngoài bằng đò để qua sông. "Năm 2017, các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đột ngột xả lũ khiến mực nước dâng cao, suýt nữa nhấn chìm chuyến đò chở hàng chục cháu học sinh đến trường", anh Giáp nói. Nhiều lần trong đêm tối, người lái đò được nhiều cuộc gọi cầu cứu của các sản phụ trở dạ, các bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu gấp vào giữa đêm tối. Dù mệt mỏi nhưng khi nghe máy đổ chuông, anh vẫn cố dậy, chèo đò giữa đêm.
Vào tới Chòm Mốt, những con đường bê tông lởm chởm ổ voi, ổ gà, đứt lìa, vỡ nát ngổn ngang. Đi vào sâu hơn, những nóc nhà sàn rêu phong, các mảng xanh nâu bám đầy tường, vôi vữa rơi khắp nền nhà.
Ông Bùi Văn Điệp, Trưởng thôn Chòm Mốt cho biết, cả thôn có 135 hộ, 616 nhân khẩu, trong đó có tới 56 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo. Chòm Mốt nằm trong diện đặc biệt khó khăn của huyện Bá Thước. "Cả thôn sống dựa vào 15,5 ha đất trồng lúa, 17,5 ha trồng ngô, 19 ha trồng tre, luồng. Ngoài ra, bà con có nuôi thêm gà, ngan, vịt, lợn nhưng chủ yếu là để dùng chứ không bán được vì đi lại rất khó khăn", ông Điệp cho biết.
Để đi tìm con chữ, gần 40 em học sinh lớp 4 - 5, 25 em học sinh cấp THCS, 15 em học sinh THPT ở thôn Chòm Mốt hằng ngày phải vượt sông đến trường. Khi thủy điện xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết thuyền không được chở khách, các em em buộc phải nghỉ học. Theo thống kê, ở Chòm Mốt hiện nay đa phần chỉ còn người già, trẻ em và một số lao động bám địa bàn làm nông nghiệp, canh tác trên đất rừng sản xuất.
Nguy cơ xóa sổ thôn Chòm Mốt
Nhiều năm trở lại đây, khi các nhà máy thủy điện xây dựng, nước sông Mã trở nên hung dữ cuốn đi nhiều diện tích hoa màu của người dân tại ốc đảo khốn khổ này. Ghi nhận tại khu vực bờ sông, hiện chiều dài vết sạt khoảng trên 100m, độ cao hơn 100m, độ cao hơn 10m, kéo theo cây cối trôi tuột xuống nước.
Theo người dân Chòm Mốt, tình trạng sạt lở bắt đầu xảy ra từ hơn 10 năm trước, sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 1 đi vào vận hành. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi lần nước dâng cao là bờ sông lại bị ăn sâu vào bờ. Theo ước tính có hơn 7,2ha đất canh tác của người dân bị sông nuốt. Cùng với đó, có 3 hộ nằm gần khu vực sạt lở đã phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn.
Bà Bùi Thị Hiền (trú thôn Chòm Mốt) cho biết, gia đình bà có gần 1.000m2 đất tại khu vực gần bờ sông để trồng hoa màu. Tuy nhiên, do bờ sông liên tục bị sạt lở đã khiến bãi bồi canh tác chỉ còn khoảng 300m2.
"Người dân khốn khổ đủ bề khi sống biệt lập với bên ngoài, nay nguy cơ đất sản xuất bị sông cuốn trôi không biết làm nghề gì để sinh sống. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp can thiệp để người dân yên tâm sinh sống", bà Hiền chia sẻ.
Ông Trương Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND xã Lương Trung cho biết, sạt lở ngày càng lan rộng, đặ biệt mỗi khi mưa lớn kéo dài. Chính quyền xã đi kiểm tra và báo cáo lên UBND huyện nhưng vẫn chưa có hướng xử lý. Năm 2007 và 2017 xảy ra lũ lụt, người dân Chòm Mốt bị cô lập hàng chục ngày. "Hiện tại, xã cũng chỉ biết khuyến cáo, cắm biển cảnh báo để nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi trồng trọt tại khu vực này", ông Thụ nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Lương Trung, cho đến hiện tại, dù đã được Nhà nước hỗ trợ, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đời sống của bà con ở Chòm Mốt vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong đó, đáng lo nhất là các cháu học sinh phải ngày ngày vượt sông đi học rất nguy hiểm.
Nhưng năm gần đây, người dân và chính quyền địa phương liên tục kiến nghị lên cấp trên, đề xuất nguyện vọng được xây cầu nhưng chưa có hồi âm.