Tiếp theo số 44
Xét nghiệm máu: các khối u lành hay ác tính thường sinh ra những chất đặc hiệu, xuất hiện trong máu gọi là chỉ điểm khối u (tumor markers). Do vậy, xác định sự có mặt và hàm lượng của các chất này trong máu góp phần cho việc chẩn đoán ung thư. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số đặc điểm của chỉ điểm khối u như sau: Không phải tất cả ung thư đều tăng chỉ điểm; Một số chỉ điểm không đặc hiệu với tổn thương ung thư; U lành cũng có thể gây tăng nồng độ chỉ điểm này trong máu.

Chọc sinh thiết khối u phổi bằng Robot tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Ngoài việc xác định các chỉ điểm ung thư, bác sĩ còn làm thêm các xét nghiệm khác để đánh giá giai đoạn, chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng bởi khối u...
Sinh thiết: là phương pháp chẩn đoán tế bào học dựa trên mảnh bệnh phẩm lấy từ khối u. Có nhiều cách để lấy bệnh phẩm như sinh thiết qua da, qua nội soi, cắt mảnh bệnh phẩm qua cuộc mổ... Phương pháp sinh thiết qua da là hay dùng nhất. Kết quả tế bào học được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán ung thư, nghĩa là trên hình ảnh tế bào xác định được khối u đó là ung thư (ác tính) hay lành tính.
Như vậy, để chẩn đoán ung thư, người ta phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau từ lâm sàng đến chẩn đoán hình ảnh, nội soi, xét nghiệm máu và tế bào học. Tuy nhiên, chẩn đoán ung thư chính xác không phải dễ dàng, đặc biệt ở giai đoạn sớm, đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật chọc hút tế bào và đọc bệnh phẩm tế bào học.
ThS. Bs. Ngọc Lâm