Khô hạn mặn nghiêm trọng - SOS!

20-03-2020 09:23 | Thời sự

SKĐS - Tình hình hạn mặn gay gắt mùa khô năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng chục nghìn héc-ta lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái chết khô, thiệt hại rất lớn.

Đời sống khó khăn

Nóng nhất ở thời điểm hiện tại là hơn 43 nghìn héc-ta lâm phần rừng tràm U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau. Đây cũng là nơi có diện tích rừng ngập ngọt lớn thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được ví là lá phổi xanh của khu vực đồng bằng. Chúng đang khát khô, “bơ phờ” trong nắng hạn...!

Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, so thời điểm 2 tuần trước, diện tích cảnh báo cháy cấp 5 tăng lên gần 3 lần, nằm ngoài dự báo của cơ quan chức năng. “Lo nhất là dự báo tình hình nắng gay gắt tiếp tục kéo dài theo chiều hướng cực đoan. Khi đó, kênh rạch cạn nước sẽ gây nguy cơ thiếu nước chữa cháy nếu xảy ra cháy lớn”.

Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, nơi có hơn 8.000ha rừng tràm đang được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt, đến nay, đã có gần 2.900ha chuyển sang cảnh báo cháy cấp 5. Với cường độ nắng nóng như hiện nay, khoảng một tuần tới đây, nhiều khả năng hơn 3.400ha đang dự báo cháy cấp 4 của vườn cũng sẽ nâng mức cảnh báo cháy lên cấp cực kỳ nguy hiểm.

Những năm trước, khoảng thời gian này, những luống rau xanh tươi của bà con nông dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau được trồng khắp nơi trên địa bàn các xã, thị trấn; Nhưng năm nay nhiều diện tích trồng màu của bà con bị cỏ dại lấn dần. Nông dân không thiết tha xuống giống vụ màu mới do khó chăm sóc. Năng suất sụt giảm dẫn đến lượng rau xanh khan hiếm. Từ đó, mặt hàng rau xanh của huyện Ngọc Hiển tăng giá từ 2.000-5.000 đồng/kg các loại.

Khô hạn mặn Hạn hán, xâm nhập mặn làm thiệt hại rất lớn ruộng lúa của bà con nông dân Cà Mau.

Thiếu nước ngọt sinh hoạt

Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.800 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, phần lớn tập trung ở các huyện như huyện U Minh, huyện Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi...

Một bầu không khí oi bức, ngột ngạt... đang phủ trùm các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Vào cao điểm mùa sa mưa, mực nước dưới kênh chừng 4m, nhưng hiện gần như khô cạn hoàn toàn, giao thông thủy đã tê liệt. Dưới cái nắng như thiêu đốt kéo dài hơn 3 tháng liền, rất nhiều tuyến kênh vùng ngọt tỉnh Cà Mau đang trong tình trạng tương tự như vậy. Kênh rạch khô cạn đã làm kiệt quệ nước phục vụ tưới tiêu, thiệt hại lớn sản xuất của người dân.

Là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông nên nước sinh hoạt ở Cà Mau chủ yếu được khai thác ngầm từ dưới lòng đất. Do nhiều nguyên nhân, như: thiếu kinh phí xây dựng trạm cấp nước; dân cư sống phân tán, đường ống chưa kéo được đến tận nơi; điều kiện địa chất một số nơi chưa khoan được giếng nước ngầm, hoặc có khoan nhưng nước ngầm bị nhiễm phèn - mặn, không bảo đảm sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống... mà mỗi khi vào cao điểm mùa khô hạn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ cư dân vùng nông thôn Cà Mau lại diễn ra. Riêng trong mùa khô hạn này, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.800 hộ dân thiếu nước hoặc chưa có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt.

Tỉnh Cà Mau kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai; đầu tư bồn nhựa chứa 10m3, túi nhựa dẻo 15-30m3 đặt tại địa điểm tập trung như UBND xã, nhà văn hóa xã để cung cấp cho người dân hoặc chuẩn bị huy động các xe bồn lưu động chở nước ngọt về phục vụ người dân ở tận vùng sâu, vùng xa,... Đời sống của nhân dân khó khăn do thiếu nước, đang được chính quyền cơ sở hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại do khô hạn kéo dài.


Hoài Dương
Ý kiến của bạn