Khó giữ chân bác sĩ lắm sao?

18-07-2015 17:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mới đây, tại Hà Tĩnh lùm xùm vụ một bác sĩ sau khi được cử đi học thạc sĩ về đã xin nghỉ việc tại bệnh viện huyện nơi anh công tác, lý do là gia đình nhiều chuyện khó khăn nên nghỉ.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng xử lý, nhưng xem ra sự chia tay này gây băn khoăn cho nhiều người: giữ chân bác sĩ làm sao khi họ quyết ra đi?

Thị trường lao động ngành Y những năm vừa qua xem ra “nóng” hơn bao giờ hết. Mọi chuyện phức tạp không chỉ đơn thuần là quy luật: “nước chảy vào chỗ trũng”. Đơn cử, mới đây bệnh viện thuộc một huyện tại TP.HCM nhận được loạt đơn xin nghỉ việc của hơn chục bác sĩ. Nhiều lý do đưa ra để nghỉ việc nhưng mọi người đều nhận thấy đằng sau câu chuyện là việc ra đời bệnh viên tư nhân hoành tráng ngay cạnh bệnh viện huyện kia.

Một bác sĩ cũng mới than phiền: “Tôi vừa bị mất hai nhân viên giỏi vì người ta hứa cho họ chức trưởng khoa. Họ lấy nhân viên của tôi mà không thèm nói với tôi một câu dù hai đơn vị không xa lạ gì với nhau”.

Người nào kinh doanh trong lĩnh vực bệnh viện đều nhận ra rằng: “linh hồn” của bệnh viện chính là người thầy thuốc, thầy thuốc giỏi ắt hẳn bệnh nhân sẽ tìm đến đông. Chưa nói, muốn đủ tiêu chuẩn thành lập bệnh viện phải đủ bác sĩ cơ hữu. Thế là có chuyện chèo kéo bằng mọi giá đã xảy ra, khiến “thị trường lao động ngành Y tế diễn ra phức tạp”, như một bác sĩ nhận xét.

Về vấn đề làm sao giữ chân bác sĩ, người viết có lần trao đổi với bác sĩ Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nơi rất gần TP.HCM, một thành phố được mệnh danh là “lỗ đen” có sức hút khủng khiếp đối với các bác sĩ giỏi. Ấy vậy mà, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai có sự phát triển đội ngũ bác sĩ trẻ giỏi rất tốt. Hiện bệnh viện phát triển nhiều chuyên khoa sâu, trong đó có Trung tâm Can thiệp tim - mạch, nên sự chuẩn bị cả về cơ sở vật chất lẫn con người là hết sức quan trọng. Cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị thì có thể bỏ tiền ra mua được dù chúng có hiện đại đến cỡ nào, nhưng để có đội ngũ bác sĩ giỏi không phải dễ. Tâm sự điều này, bác sĩ Dũng cho biết rằng, điều quan trọng là nắm được tâm tư, nguyện vọng của từng bác sĩ. Bệnh viện chỉ đào tạo, bồi dưỡng cho những ai gắn bó lâu dài với bệnh viện chứ không đào tạo người chỉ muốn ra đi tìm đến bệnh viện lớn hơn hay nhiều tiền hơn. Điều quan trọng là phải dùng người đúng chỗ, đúng sở trường của họ. Ai có tài sẽ được trọng dụng chứ không “sống lâu lên lão làng”. Do đó, bác sĩ ở đây yên tâm công tác, gắn bó với bệnh viện dù không ít nơi chèo kéo.

Một bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai đang học thêm ở Khoa Ngoại lồng ngực tim mạch - Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay anh rất yên tâm về việc được đi học và việc sẽ được thỏa sức làm việc khi học xong trở lại bệnh viện cũ.

 

Như vậy, “việc thỏa sức làm việc” cũng là yếu tố để giữ chân bác sĩ. Một số bác sĩ tâm sự rằng, khi học nâng cao (tiến sĩ, thạc sĩ; chuyên khoa 2, chuyên khoa 1) xong, về lại bệnh viện cũ thì có nhiều điều không vừa ý, vì muốn làm kỹ thuật mới phải có thêm máy móc để triển khai nhưng không được ban giám đốc duyệt.

Từ những chuyện trên, trả lời câu hỏi ở tiêu đề bài viết: giữ chân bác sĩ khó nhưng không phải không thể. Để giảm thiểu “vấn nạn” bác sĩ dứt áo ra đi cần có sự cảm thông của người quản lý, sử dụng lao động. Trong đó, việc tạo điều kiện học thêm nâng cao tay nghề, điều kiện làm việc cho những người muốn gắn bó lâu dài với đơn vị là cần thiết.

THẾ PHONG

 

 


Ý kiến của bạn