Hà Nội

Khô da, làm thế nào?

10-02-2016 09:29 | Dược
google news

SKĐS- Theo thư bạn mô tả thì bạn thuộc tuýp người bị khô da có yếu tố cơ địa, những người này chiếm khoảng 20% dân số. Da khô quanh năm và khô tăng lên vào mùa lạnh.

Tôi bị khô da bàn tay, bàn chân hầu như quanh năm. Đợt này rét dài da lại càng khô hơn, sờ vào ráp. Xin quý báo tư vấn giúp tôi cách chữa trị!

Nguyễn Hồng Thu (Bắc Giang)

Theo thư bạn mô tả thì bạn thuộc tuýp người bị khô da có yếu tố cơ địa, những người này chiếm khoảng 20% dân số. Da khô quanh năm và khô tăng lên vào mùa lạnh. Da khô khu trú từng phần hay gặp như khô da mặt, khô môi, khô da cẳng tay, cẳng chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Da toàn thân khô gặp ở nhiều mức độ khác nhau. Khô nhẹ thì ta chỉ cảm thấy da khô, nhăn nheo vào mùa thu - đông. Mức độ nặng thì da khô quanh năm và tăng lên vào mùa lạnh, nhiều trường hợp trông sù sì, sờ vào thô ráp. Bệnh nhân bị ngứa trên nền da khô dù không có tổn thương gì và chính bệnh nhân gãi lại làm xuất hiện các tổn thương da.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Chăm sóc da khô:

Không tắm nước nóng quá, không tắm lâu quá. Ngày chỉ tắm hoặc rửa 1 lần. Kiêng: gãi, kỳ cọ mạnh, chà xát bằng khăn hoặc xát chanh, xát muối, xà phòng. Không lấy bàn chải cọ lên da. Có thể tắm bằng nước chanh hòa loãng hoặc sữa tắm làm dịu da như physiogel hoặc xà phòng oilatum…

Điều trị: Sau khi tắm bôi các chế phẩm như: cream physiogel, vitaminE, skincare-U, lacticare… Sau khi bôi thuốc có thể mát-xa nhẹ nhàng trên da từ 2-4 phút để da được mềm mại hơn. Nếu da khô nhiều ở lòng bàn tay thì nên hạn chế rửa tay và sau mỗi lần rửa tay lại bôi thêm các chế phẩm trên một lần nữa.

Nếu vùng da nào bị viêm sần sùi, ngứa trên nền da khô thì có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid như: flucinar, fobancort... ngày 1 lần vào buổi tối trong 1-3 tuần tùy theo chỉ định của bác sĩ. Có thể uống một đợt vitamin E hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nên uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả, rau xanh.

TS.Nguyễn Thị Lai


Ý kiến của bạn
Tags: