Khó “chiêu hiền” thì chủ động “đãi sĩ”

17-12-2015 23:48 | Tin nóng y tế

SKĐS - Những năm qua, tỉnh Đăk Nông đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực về công tác tại địa phương, tuy nhiên, nhân lực ngành y tế vẫn thiếu, đặc biệt là nguồn cán bộ y tế chất lượng cao.

Những năm qua, tỉnh Đăk Nông đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực về công tác tại địa phương, tuy nhiên, nhân lực ngành y tế vẫn thiếu, đặc biệt là nguồn cán bộ y tế chất lượng cao. Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiện nay công tác này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh tại địa phương.

Thiếu ở các tuyến thiếu sang cả các chuyên khoa

Thống kê của Sở Y tế Đăk Nông cho thấy, hiện toàn ngành có 2.115 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó, có 359 bác sĩ và 16 dược sĩ đại học, chỉ chiếm gần 18%. Số bác sĩ chỉ đạt 6,3 bác sĩ/vạn dân. Số bác sĩ có trình độ chuyên khoa sau đại học lại càng khan hiếm, chỉ chiếm khoảng 17-18% tổng số bác sĩ của ngành. Theo khảo sát tại các bệnh viện đa khoa (BVĐK) trong tỉnh, phần lớn bác sĩ đều là bác sĩ đa khoa. Đơn cử như BVĐK tỉnh, đơn vị y tế tuyến đầu của địa phương mặc dù đã có 75 bác sĩ nhưng đối với những chuyên khoa lẻ, đội ngũ y, bác sĩ vẫn đang rất khan hiếm. Toàn tỉnh có 7/8 bệnh viện thiếu bác sĩ chuyên khoa như da liễu, mắt, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt... Ngoài ra, một số bệnh viện còn không tuyển được cử nhân xét nghiệm. Hoặc người phụ trách khoa, phòng khám chẩn đoán hình ảnh phải có trình độ là bác sĩ chuyên khoa, nhưng hiện vẫn còn 5 bệnh viện chưa có bác sĩ loại này. So với nhu cầu thực tế, số lượng y, bác sĩ còn khá ít, chưa đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như việc triển khai các dịch vụ y tế chất lượng cao. Không chỉ thiếu, nhân lực y tế cũng đang có sự mất cân đối giữa các chuyên khoa. Ngoài hệ điều trị, hầu hết các đơn vị y tế tuyến tỉnh khác như Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội... đều chung tình trạng trên. Còn tại BVĐK huyện Krông Nô, do thiếu nguồn nhân lực nên nhiều khoa, phòng vẫn đang ghép chung như cấp cứu - nội - nhi - nhiễm - y học dân tộc...

Có nhân lực chất lượng cao là điều kiện thuận lợi để phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu. Ảnh: Ng. Hồng

Khó “chiêu hiền”

Nhằm giải bài toán về nguồn nhân lực tại địa phương, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2014-2020. Theo đó, ngoài lương và các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước, các bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học và sau đại học khi tự nguyện về công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh còn được hưởng nhiều chính sách, đãi ngộ khác. Cụ thể, mức trợ cấp thu hút từ 180 triệu đồng đối với bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học loại trung bình; 300 triệu đồng đối với tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II. Ngoài ra, các bác sĩ, dược sĩ còn được ưu tiên trong xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức; mua đất, làm nhà ở với giá sàn không qua đấu giá theo quy định của tỉnh... Mặc dù vậy, sau hơn 1 năm thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ, ngành chỉ mới nhận được 6 hồ sơ đăng ký theo diện này. Theo BS. Ngô Minh Trực, Giám đốc Sở Y tế, một trong những lý do để khó thu hút nhân lực chất lượng cao về công tác tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ dược sĩ, bác sĩ tốt nghiệp loại khá giỏi là vì hầu hết đều mong muốn công tác tại các bệnh viện lớn. Thực tế, điều kiện sinh hoạt, môi trường công tác, cơ hội phát triển... tại địa phương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao. Còn đội ngũ y, bác sĩ có trình độ trên đại học phần lớn là do đơn vị công tác cử đi học nên sau khi ra trường, phần lớn họ đều về lại đơn vị cũ. Cũng theo BS. Trực, thời gian tới song song với việc “chiêu hiền”, ngành y tế tỉnh này cũng sẽ hướng tới giải pháp quan trọng là đào tạo nhân lực tại chỗ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng được ngành y tế tập trung đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới. Theo đó, việc đào tạo sẽ ưu tiên vào một số chuyên khoa như phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, cận lâm sàng, sản, nhi và chuyên khoa lẻ. Đặc biệt, việc quản lý cán bộ sau đào tạo sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn nữa để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.

Cùng với đó là việc tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ sử dụng, ngành tích cực liên hệ với các trường đại học y, dược trong cả nước để quảng bá chính sách thu hút, đãi ngộ của tỉnh...


Nguyễn Mỹ - Vũ Trang
Ý kiến của bạn