1. Những nguyên nhân có thể gây khô âm đạo trong thời kỳ mãn kinh
Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chính gây khô âm đạo là do nồng độ hormone estrogen trong thời kỳ mãn kinh. Điều này được giải thích như sau:
Một trong những chức năng chính của estrogen là điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, nhưng nó cũng đóng vai trò kích thích sự phát triển của nang trứng trong buồng trứng; Hình thành mô vú; Duy trì thành âm đạo và màng nhầy lót tử cung; Thúc đẩy bôi trơn.
Khi mức độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, mô âm đạo mỏng và khô. Thành âm đạo cũng có thể bị viêm trong thời gian đó. Các triệu chứng khác kèm theo khô âm đạo có thể xảy ra như: Ngứa, khó chịu, đau rát…
Theo bác sĩ Lê Quang Dương, chuyên gia sức khỏe sinh sản, lý do chính khiến cho phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh thường bị khô âm đạo là do ở độ tuổi này, hoạt động buồng trứng sẽ giảm mạnh khiến nồng độ estrogengiảm xuống dẫn đến độ ẩm trong âm đạo cũng giảm theo, âm đạo trở nên mỏng đi và kém đàn hồi.
Tình trạng khô âm đạo cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như: Nồng độ estrogen thấp khi cho con bú, sau khi sinh con hoặc trong quá trình điều trị ung thư; Phụ nữ phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng; Suy buồng trứng sớm; Bệnh đái tháo đường; Sử dụng một số loại thuốc cảm lạnh, dị ứng, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng estrogen…
Ngoài ra, giảm lưu lượng máu đến âm đạo hay thiếu màn dạo đầu trước khi quan hệ tình dục cũng có thể là lý do dẫn đến khô âm đạo gây khó khăn cho đời sống tình dục ở nữ giới.
2. Khô âm đạo ảnh hưởng đến khả năng tình dục như thế nào?
Khô âm đạo khiến việc quan hệ tình dục trở nên khó khăn vì chị em thường có cảm giác đau đớn khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo. Cảm giác này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục của người phụ nữ, thậm chí nhiều người cảm thấy sợ hãi khi quan hệ tình dục.
Khi âm đạo không đủ độ ẩm cần thiết dẫn đến tình trạng khô, nóng và đau rát trong âm đạo, thậm chí có thể bị chảy máu trong âm đạo. Điều này càng gây khó chịu và đau đớn khi giao hợp thâm nhập. Nó cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm.
Âm đạo được lót bằng một loại mô da đặc biệt bao gồm ba lớp. Lớp trên cùng hoặc bề mặt rất nhạy cảm với estrogen. Trong độ tuổi sinh sản của người phụ nữ, mức độ estrogen bình thường giữ cho niêm mạc âm đạo dày và được bôi trơn tốt. Điều này cho phép âm đạo chống lại chấn thương và thúc đẩy tính đàn hồi (khả năng co giãn và phục hồi của âm đạo), có thể hữu ích trong quá trình sinh nở và quan hệ tình dục.
Sự sụt giảm estrogen có thể khiến thành âm đạo trở nên mỏng và khô (teo âm đạo), mất tính đàn hồi và bôi trơn, gây đau khi quan hệ tình dục. Teo âm đạo cũng có thể dẫn đến hẹp cửa âm đạo. Những thay đổi này có thể khiến âm đạo dễ bị rách do chấn thương thông thường như quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa.
3. Cải thiện khô âm đạo - cách nào?
Mặc dù những thay đổi của thời mãn kinh như khô âm đạo và tâm lý khó chịu có thể khiến người phụ nữ mệt mỏi và mất hứng thú ham muốn tình dục. Nhiều người cảm thấy không thoải mái khi nói về điều này dẫn đến cảm giác ngày càng trở nên tồi tệ.
Các bác sĩ khuyên chị em không nên e ngại, nếu các triệu chứng của giai đoạn mãn kinh ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và đời sống tình dục, chị em nên đi khám để được tư vấn biện pháp can thiệp phù hợp.
Có thể sử dụng các loại gel bôi trơn; bổ sung một số thực phẩm giàu phytoestrogen (có tác dụng tương tự như estrogen nhưng có nguồn gốc từ thực vật) như đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt…
Để có đời sống tình dục viên mãn, bác sĩ Lê Quang Dương khuyên chị em cần lưu ý chăm sóc bản thân và khắc phục tình trạng khô âm đạo bằng cách sinh hoạt lành mạnh, sống vui vẻ, thường xuyên vận động thể dục bằng các bài tập phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, nên chú ý uống đủ nước, tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin. Bổ sung nội tiết tố cũng là một biện pháp, tuy nhiên cần có sự tư vấn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm video đang được quan tâm
Phụ nữ tiền mãn kinh cần biết: 4 yếu tố chính gây giảm ham muốn tình dục.