1. Khô âm đạo có nguy hiểm không?
Khô âm đạo hiếm khi chỉ ra một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, nhưng hãy tìm sự giúp đỡ nếu cảm giác khó chịu kéo dài hơn một vài ngày hoặc nếu bạn cảm thấy khó chịu khi quan hệ tình dục.
Nếu không được điều trị, tình trạng khô âm đạo có thể gây ra vết loét hoặc nứt ở các mô của âm đạo… làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nhiều nguyên nhân gây khô âm đạo trong đó có thuốc điều trị bệnh.
2. Thuốc gây khô âm đạo như thế nào?
Thuốc có thể gây khô âm đạo theo những cách khác nhau:
- Thuốc kháng histamine: Là thành phần chính trong thuốc dị ứng và nhiều loại thuốc trị cảm lạnh. Thuốc làm khô màng nhầy trong mũi, giảm các triệu chứng như sổ mũi, chảy nước mắt và hắt hơi. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể làm khô màng nhầy trong âm đạo. Thuốc kháng histamine có thể làm thu hẹp các mạch máu, do đó dẫn tới lưu lượng máu ít hơn và lượng chất tiết đi khắp cơ thể giảm, trong đó có âm đạo.
- Thuốc kháng sinh: Được sử dụng để chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm viêm họng liên cầu khuẩn, nhiễm trùng đường tiết niệu và E. coli… Một số loại kháng sinh có thể làm thay đổi sự cân bằng của vi khuẩn trong âm đạo, dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng nấm âm đạo. Khi bị nhiễm trùng nấm men người bệnh có các triệu chứng nhiễm trùng như ngứa, rát và tiết dịch đặc…
- Thuốc thông mũi: Giống như thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi cũng có thể dẫn đến thu hẹp mạch máu, làm khô mũi, đồng thời cũng có thể loại bỏ độ ẩm khỏi vùng âm đạo.
- Thuốc chống trầm cảm: Có nhiều cơ chế tác dụng khác nhau, nhưng nhiều loại thuốc chống trầm cảm làm tăng lượng hormone serotonin hoặc norepinephrine (hoặc cả hai). Một số người nhận thấy rằng thuốc chống trầm cảm có thể dẫn đến khô âm đạo hoặc các tác dụng phụ khác về tình dục, chẳng hạn như khó đạt cực khoái.
- Thuốc ảnh hưởng đến nội tiết tố nữ: Các biện pháp tránh thai giúp tránh thai, bằng cách thay đổi mức độ hormone như estrogen. Ngoài ra, thuốc hoặc hormone dùng để điều trị các tình trạng như ung thư vú, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung… cũng có thể ảnh hưởng đến estrogen.
Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể dẫn đến khô âm đạo ở một số người, đặc biệt nếu nồng độ estrogen giảm, vì điều này có thể khiến mô âm đạo co lại và mỏng hơn, dẫn đến khô và viêm.
Nhiều thuốc gây khô âm đạo, nhưng có nhiều cách để khắc phục tình trạng này.
3. Khắc phục khô âm đạo do thuốc như thế nào?
Tình trạng khô âm đạo không phải là vĩnh viễn nhưng có thể gây khó chịu và có thể gây khó khăn và/hoặc trầy xước khi quan hệ tình dục. Đối với thuốc trị các bệnh cấp tính, khô âm đạo chỉ làm tạm thời và sẽ hết khi ngừng thuốc.
Có nhiều cách để khắc phục khô âm đạo do thuốc như:
- Dùng chất bôi trơn, kem dưỡng ẩm âm đạo để giảm khô âm đạo.
- Sử dụng các biện pháp thay thế: Đối với các tình trạng ngạt mũi không sử dụng thuốc thông mũi mà thay vào đó hãy làm sạch đường mũi bằng các biện pháp thông mũi tự nhiên, chẳng hạn như uống nước nóng và tắm nước nóng...
- Trao đổi với bác sĩ có thể giảm liều, thay thế thuốc khác (đối với thuốc điều trị bệnh mạn tính như trầm cảm) hoặc chuyển từ dạng uống sang dạng xịt tại chỗ khi dùng thuốc kháng histamin (trị ngạt mũi do cảm lạnh, cảm cúm…), để bớt tác dụng toàn thân của thuốc, gây khô âm đạo.
- Bổ sung lợi khuẩn: Dùng probiotic (men vi sinh) đường uống, ăn sữa chua có vi khuẩn sống… để khắc phục tình trạng mất cân bằng vi khuẩn ở âm đạo, khi dùng thuốc kháng sinh.
- Sử dụng thuốc điều trị: Nếu bị nấm men do dùng thuốc cần dùng thuốc trị nấm. Tình trạng này có thể khỏi hoàn toàn khi được điều trị đúng.
Một số loại thuốc có thể dẫn đến khô âm đạo, chúng bao gồm thuốc trị cảm lạnh và dị ứng, thuốc chống trầm cảm và thuốc tránh thai… Kem dưỡng ẩm và chất bôi trơn âm đạo có thể giúp giảm khô âm đạo.
Người bệnh không nên ngừng dùng thuốc theo đơn mà chưa có ý kiến của bác sĩ. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ mối lo ngại nào của bạn về thuốc và các tác dụng phụ của nó… để được ứng phó thích hợp, kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video:
Đau nhức xương khớp và một số các bài thuốc đông y đơn giản I SKĐS