Khiêu vũ trên xe lăn – một môn thể thao nghệ thuật, gợi lên lòng khâm phục bởi tinh thần quật cường của người khuyết tật (NKT) và vẻ đẹp lạ thường.
Lần đầu tiên, tại Việt Nam, một lớp học khiêu vũ miễn phí dành cho NKT được tổ chức. Câu chuyện về lớp học là một thông điệp có thể hàn gắn vết thương, làm thay đổi suy nghĩ, tâm hồn và đôi khi cả cuộc đời của những con người “tàn mà không phế” và cả những người xung quanh.
“Phải dùng nạng để di chuyển chậm. Nên mỗi lần nhìn thấy mọi người khiêu vũ, trong tôi luôn tồn tại hai trạng thái trái ngược nhau. Tôi ngất ngây với những điệu nhảy uyển chuyển, gợi cảm và vô cùng nóng bỏng của họ. Nhưng ngay lập tức, tôi cũng chạnh lòng cho bản thân mình. Nhiều khi, tôi nhắm mắt lại rồi mơ thấy chính mình chứ không ai khác đang “phiêu” trên đôi chân của mình bằng những nhịp điệu lúc rộn rã, sôi động lúc lại êm ái, du dương. Giấc mơ vận động của tôi ước gì được thực hiện. Hôm nay, được học nhảy trên xe lăn, tôi hưng phấn vô cùng vì giấc mơ bấy lâu đã thành sự thực”, chị Khuất Như Quỳnh - NKT vận động chia sẻ.
Chị Quỳnh học nhảy tại một lớp học đặc biệt - Lớp học khiêu vũ miễn phí dành cho NKT tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). 20 học viên trên 20 chiếc xe lăn hào hứng tập theo các động tác và tiếng hô nhịp nhàng của vũ sư kết hợp với tiếng nhạc khiêu vũ thể thao rộn rã, lôi cuốn, sôi động. Vũ sư Đinh Thanh Hiếu đã giới thiệu kỹ về bài tập trước khi bắt đầu: “Hầu hết các bạn đều có công việc gắn với máy tính hoặc những công việc làm bằng tay. Ngồi cả ngày rất mỏi cột sống, vai gáy, do đó hôm nay tôi giới thiệu với các bạn bài tập có nhiều động tác phù hợp với các bạn yếu cột sống. Ngoài ra, có các bài tập mở rộng biên độ động tác tay, vai, cổ và hông, giúp cơ thể dẻo dai hơn…”. Thầy Hiếu giải thích kỹ hơn về việc học sẽ cải thiện rõ rệt vấn đề sức khỏe cho học viên tham dự: NKT vận động ở đây có thể là bị bại liệt hoàn toàn về phần chân như bị dị tật bẩm sinh, bị chất độc da cam. Hoặc những người bị yếu chi do tai nạn, vỡ khớp gối, vỡ hớp háng… Bài tập tác động đến 4 hướng, hướng dọc có cúi và lắc; hướng ngang có nghiêng và xoay. Với các kiểu hoạt động như vậy sẽ giúp hệ tiêu hóa, cơ xương khớp, tim… của NKT hoạt động tốt hơn.
Các điệu nhảy từ nhẹ nhàng đến dần sôi động hơn và phối hợp với nhau nhiều hơn đã được thầy Đinh Thanh Hiếu dần dần hướng dẫn đến học viên gồm: cha cha cha, salsa, samba, cumbia, soca, calypso… Anh Nguyễn Thanh Tùng không giấu được niềm vui: trước đây, khi xem các clip dạy khiêu vũ cho NKT ngồi xe lăn, tôi mơ ước một ngày nào đó được tiếp cận bộ môn khiêu vũ này. Niềm ao ước bấy lâu nay đã thành hiện thực, tôi rất đỗi hạnh phúc. “Trước khi đến lớp tôi không hình dung nổi có lớp học vui đến thế này với NKT. Tôi thật sự rất vui khi mình có thể hòa mình vào những điệu nhảy này, điều mà tôi tưởng chỉ có thể thực hiện trong mơ mà thôi. Tôi và mọi người rất tự hào về bản thân mình, chúng tôi có thể làm những điều mà người may mắn hơn mình làm được”, chị Nguyễn Thị Diệu Trinh, một nghệ nhân thêu, xúc động nói.
Lớp học… hàn gắn vết thương
Bộ môn nhảy trên xe lăn ra đời từ năm 1985 tại Thụy Điển. Bộ môn này đã được dùng để trị liệu cho NKT tại Bệnh viện Melbourne (Úc). Vũ sư Đinh Thanh Hiếu - 15 năm kinh nghiệm huấn luyện các môn dance sport, yoga, zumba… đến với môn khiêu vũ trên xe lăn cách đây 3 năm, tại Úc. Trong thời gian theo học, anh đã tham gia vào một số chương trình đạo tạo khiêu vũ trị liệu cho NKT, người lớn tuổi phải ngồi xe lăn và những người bị chấn thương gối, cột sống. Đây là lần đầu tiên thầy Hiếu mang môn học này về Việt Nam hướng dẫn cho NKT. Lí do được anh giải thích “hi vọng lớp học sẽ giới thiệu đến học viên một phương pháp rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống thể chất và tinh thần của NKT. Đồng thời, nâng cao lòng tự tin hòa nhập xã hội của họ. Góp phần tạo ra hình ảnh NKT năng động, chủ động hòa nhập cộng đồng”. “Cũng phải thấy rằng ở Úc, NKT được ưu tiên và mọi người rất quan tâm đến họ. Vì thế họ sống vui vẻ hơn, hòa nhập hơn, tự tin hơn NKT Việt Nam. Tôi đã ấp ủ đem chương trình dạy khiêu vũ trên xe lăn về cho NKT Việt Nam với mong muốn giúp họ có được niềm vui trong cuộc sống”, anh nói thêm.
Ra đời tại Thụy Điển, bộ môn nghệ thuật giàu tính nhân văn này đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới
Không chỉ thiết kế, chỉnh sửa chương trình Nhảy và Khiêu vũ thể thao dành cho người khuyết tật vận động của Hiệp hội Nhảy thể thao trên xe lăn (UK Wheelchair Dance Association) và nguồn tư liệu khác trên thế giới cho phù hợp với điều kiện trang thiết bị và thể chất người Việt Nam. Vũ sư Đinh Thanh Hiếu - dù là một người khỏe mạnh, còn dành rất nhiều thời gian ngồi tập trên xe lăn để tìm ra cách dạy tốt nhất cho học viên. Đồng thời tạo ra sự gần gũi với mọi người. Lớp học không phân biệt tuổi tác, miễn là người học có nguyện vọng và lòng say mê. Họ đến đây để thoát khỏi bốn bức tường nhàm chán, để tìm bạn mới, để làm quen và giao lưu, mở rộng tầm hiểu biết của mình, đặc biệt gỡ bỏ mặc cảm bấy lâu nay thường ám ảnh…
Với bạn Phan Thị Rát, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, đến với lớp học không đơn thuần chỉ là học nhảy. “Lớp học, đối với tôi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó hàn gắn vết thương, làm thay đổi suy nghĩ, tâm hồn và đôi khi cả cuộc đời của những con người như chúng tôi và cả những người xung quanh”, xúc động nói. Và bạn kể tiếp, bạn bè và những người xung quanh trước đây khi nhìn vào khuyết tật của tôi, họ rất khinh dễ và lấy đó làm niềm vui. Họ chế nhạo và bắt chước tướng đi của tôi, rồi nói rằng cha mẹ tôi ăn ở thất đức nên mới sinh ra tôi như vậy. Cuối năm nhất, tôi nộp đơn xin làm tình nguyện viên tiếp sức mùa thi tại trường. Ngày phỏng vấn, tôi được một anh làm trong văn phòng Đoàn trường hỏi tôi khuyết tật như vậy liệu sẽ làm được gì? Tôi nhẹ nhàng trả lời: tuy em khuyết tật, đi lại khó khăn nhưng em còn đầu óc, em sẽ nhận làm những công việc không cần đi lại nhiều như tư vấn ngành học, tư vấn nhà trọ, làm danh sách, giấy tờ liên quan… Và rồi cuối chiến dịch, tôi được nhận giấy khen của Đoàn trường vì thành tích đóng góp xuất sắc. Đó là kỷ niệm tôi không thể quên. Nhưng bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để hàn gắn vết thương mà mọi người đưa lại cho tôi. “Hôm nay, sự tận tụy của thầy Hiếu, sự nhiệt tình của Trung tâm DRD và cả nỗ lực phấn đấu của mỗi bạn học viên giúp tôi cảm nhận rõ hơn: NKT chỉ là khiếm khuyết một phần nào đó trên cơ thể chứ không phải là không làm được gì, không phải là không có ích cho xã hội. Hãy mở lòng đón nhận NKT, tạo một con đường cho NKT vui vẻ sống, sống có ích. Chỉ có cái nhìn đúng đắn, thông cảm và hiểu cho NKT mới là cách giúp NKT thêm yêu cuộc sống này và thể hiện hết khả năng họ có”, Rát tâm sự mà như nói với chính mình.
NGUYỄN HUYỀN