Hà Nội

Khiêu vũ dưỡng sinh - Niềm vui và sức khỏe

11-10-2013 12:50 | Bệnh người cao tuổi
google news

Hiện nay, tại Hà Nội và nhiều thành phố khác, các câu lạc bộ khiêu vũ, sàn nhảy không chỉ là nơi vui chơi, giải trí của thanh niên mà còn là sân chơi dưỡng sinh, cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi.

Hiện nay, tại Hà Nội và nhiều thành phố khác, các câu lạc bộ khiêu vũ, sàn nhảy không chỉ là nơi vui chơi, giải trí của thanh niên mà còn là sân chơi dưỡng sinh, cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi.

Trẻ - khỏe nhờ khiêu vũ

Vào lúc hừng đông hoặc hoàng hôn mỗi ngày, tại một số câu lạc bộ (CLB) khiêu vũ như ở hồ Thành Công, công viên Thống Nhất (Hà Nội)... từng đôi, từng đôi dập dìu trong điệu nhảy, với những bước đi nhịp nhàng theo tiếng nhạc trầm bổng du dương. Nhìn những đôi chân uyển chuyển xoay theo từng bản nhạc không mấy người nghĩ rằng đó là những đôi chân của những người đã ở tuổi ông, tuổi bà. Ngắm nhìn các bác say sưa, vui tươi trong các điệu nhảy, tưởng như mọi lo toan, ồn ã của cuộc sống không còn, mà nơi đây chỉ tồn tại sự thanh bình, yên vui.

Khiêu vũ dưỡng sinh - Niềm vui và sức khỏe 1

Gặp bà L. H. H. - Chủ nhiệm một CLB tại Hà Nội, dù đã ở tuổi ngoài 60, nhưng bà có phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát của tuổi thanh xuân. Nghe tôi nói điều này, bà H. cười bảo: "Đấy là nhờ khiêu vũ cô ạ. Cách đây khoảng mươi năm, tôi lệt bệt lắm". Mắc bệnh tăng huyết áp, tăng mỡ máu và đái tháo đường khiến sức khỏe bà suy kiệt dù đã uống thuốc đều đặn. Sau đó bà tham gia CLB khiêu vũ dưỡng sinh và sức khỏe dần được cải thiện. "Có lẽ do luyện tập và tinh thần thoải mái đã giúp cho sức khỏe của tôi được phục hồi" - bà H. chia sẻ.

Theo bà H., mọi người đến với CLB khiêu vũ vừa được luyện tập để nâng cao sức khỏe, lại vừa được giao lưu kết bạn nên không còn nghĩ ngợi nhiều đến tuổi già và bệnh tật.

Khiêu vũ dưỡng sinh - Niềm vui và sức khỏe 2
 Khiêu vũ cũng là một sân chơi dưỡng sinh tốt cho người cao tuổi.

Chúng tôi tìm gặp cô M.Th. - giáo viên dạy khiêu vũ cổ điển, chúng tôi không thể tin ở mắt mình trước người phụ nữ đã 60 tuổi mà dáng người vẫn mềm mại, thon thả. Cười rất tươi, cô nói rằng đúng là bây giờ trông cô còn tươi trẻ hơn so với cách đây gần... 20 năm. Hồi đó, do biến động quá lớn trong cuộc sống gia đình khiến cô suy sụp cả tinh thần và sức khỏe, tưởng chừng như không trụ nổi. Thế rồi cô tìm đến môn nghệ thuật này như một sự ngẫu nhiên, rồi say mê, rồi trở thành chuyên nghiệp. Cô đi dạy, đi nói chuyện về tác dụng của khiêu vũ và thuyết phục bạn bè, người cao tuổi, người béo phì lười vận động đến với bộ môn nghệ thuật này. Đến bây giờ thì khiêu vũ đối với cô như là hơi thở và mọi vui buồn của cuộc sống đều trôi đi khi đắm chìm trong từng điệu nhảy. Cô bảo tôi: Cháu cũng tập khiêu vũ đi, nhà báo mà không biết nhảy thì buồn lắm! Nhìn cô đây nhé... Rồi cô bắt đầu lắc lư, xoay tròn. Nhìn cô như bay lên theo tiếng nhạc của điệu tango...

Vì sao khiêu vũ có lợi cho sức khỏe?

Sự vượt trội của khiêu vũ so với các môn thể thao khác là phù hợp với mọi lứa tuổi. Nhưng trước đây, do những định kiến của xã hội khiến nhiều người cho rằng khiêu vũ chỉ dành cho lứa tuổi thanh niên và của những người có lối sống không lành mạnh, còn người già đi khiêu vũ thì bị coi là "chơi trống bỏi". Nhưng vài năm trở lại đây khi các nhà thể thao, các bác sĩ lên tiếng về một số tác dụng của khiêu vũ đối với sức khỏe và sắc đẹp thì người ta đã có cái nhìn đúng đắn hơn về môn nghệ thuật này.

Khiêu vũ dưỡng sinh - Niềm vui và sức khỏe 3
 Nguồn google

Theo TS.BS. Nguyễn Năng Cường, khi cơ thể vận động khiến tim đập mạnh, hơi thở gấp, khí huyết lưu thông nên việc nuôi dưỡng và các hoạt động sinh lý của mọi tế bào tăng, việc loại thải các chất cặn độc từ tế bào ra ngoài được nhanh hơn, kích thích sự sinh sản thêm các tế bào mới như tế bào máu, thượng bì và niêm mạc giúp cho da luôn hồng hào mịn màng, làm chậm quá trình lão hóa ở người cao tuổi.

Bản chất của khiêu vũ là một môn thể thao. Nó có thể giải phóng một số năng lượng đáng kể. Khi khiêu vũ, cơ thể phải tăng cường đốt cháy lượng đường và mỡ trong máu. Vì thế cơ thể nóng lên, toát nhiều mồ hôi, nhịp thở tăng lên... Điều này giúp làm giảm lượng đường và mỡ trong máu, phòng chống tình trạng béo phì, chảy sệ, bệnh đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Song song đó, sự vận động trong khiêu vũ làm tăng cường hoạt động của các cơ bắp, cơ tim và mọi cơ trơn trong các nội tạng, nên giúp phòng ngừa tốt chứng suy hô hấp, suy thận, táo bón, trĩ, giãn tĩnh mạch chi dưới; giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh bất lợi của môi trường như thay đổi thời tiết đột ngột.

Sự vận động của cơ thể còn giúp người cao tuổi khắc phục được một số bệnh như đau khớp, nhức lưng, đau đầu, mất ngủ, kém trí nhớ.

Tập luyện giúp cơ thể sử dụng hữu hiệu insulin; làm chậm sự mất canxi; tăng độ dẻo dai của các khớp, tim mạch; tăng cholesterol có lợi và loại bỏ cholesterol có hại, tăng hoạt động của hệ miễn dịch. Ở lòng bàn chân, mỗi điểm, mỗi vùng đều có mối liên quan tương ứng với một bộ phận của cơ thể. Vì vậy, tập bàn chân là gián tiếp xoa bóp toàn bộ cơ thể, làm cho khí huyết lưu thông.

Ngoài ra, khi khiêu vũ người cao tuổi phải nhớ từng vũ điệu, các bước đi căn bản nên được rèn luyện trí nhớ, ngăn ngừa các bệnh hay quên, chứng lú lẫn và các rối loạn tinh thần đang có xu thế phát triển trong xã hội hiện đại.

Khi tham gia khiêu vũ, người cao tuổi còn cảm thấy sảng khoái về tinh thần. Tính chất sinh hoạt cộng đồng của khiêu vũ dưỡng sinh còn giúp cho người cao tuổi sống chan hòa với mọi người, với mọi thế hệ, nên không còn cảm giác cô đơn; giải tỏa được mọi căng thẳng tinh thần; giúp người khiêu vũ được cập nhật thông tin về vệ sinh, dinh dưỡng, tăng thêm nhiều kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe cho mình, gia đình và cộng đồng.

Những lưu ý khi người cao tuổi khiêu vũ

Người cao tuổi khi tập khiêu vũ cần nắm các nguyên tắc:

Tập các động tác từ đơn giản đến phức tạp. Thời gian và cường độ tập phù hợp với sức khỏe, với tình trạng bệnh tật của mỗi người.

Những người bị tăng huyết áp, rối loạn tiền đình, gai cột sống và tổn thương khớp nặng chỉ nên tập những động tác nhẹ nhàng, đơn giản. Cần loại bỏ các động tác khó, phức tạp và tốn sức. Không nên cố tập cho bằng được.

Nên học kiểu khiêu vũ cổ điển do sự thanh lịch và nhẹ nhàng của dòng này. Khi khiêu vũ, người cao tuổi nên tránh các điệu quá cuồng nhiệt, sôi nổi và không nên thực hiện các bước te sâu. Ở người cao tuổi, gân cốt không còn mạnh sẽ nguy hiểm khi thực hiện các động tác như thế.

Nên cùng bạn bè hàng xóm lập ra các câu lạc bộ khiêu vũ để không phải đi xa, tạo điều kiện cho nhiều người cùng tham gia. Người không quen nhảy thì có thể đến nghe nhạc, thư giãn, giao tiếp với bạn già. Nên tham vấn các nhà chuyên môn để chọn những vũ điệu phù hợp với đặc điểm tâm lý, sức khỏe người cao tuổi.

Hải Hà


Ý kiến của bạn