Nội dung báo cáo cho biết, công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân còn nhiều hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc tiếp công dân chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều tỉnh chưa quan tâm, theo dõi, đánh giá công tác tiếp công dân theo quy định của người đứng đầu, nhất là cấp xã.
Qua thống kê số liệu báo cáo cho thấy, đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định. Phụ lục về kết quả tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho thấy, nhiều tỉnh không có số liệu báo cáo về hoạt động này. Có những tỉnh thì tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch tỉnh so với quy định là rất thấp.
Với đông đảo người dân thì công tác tiếp dân của người đứng đầu các cấp có ý nghĩa rất quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ tịch “ngại” tiếp dân hoặc ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, không tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, hoặc giải quyết qua loa, không rõ ràng, minh bạch, không giải thích rõ ràng, nên người dân phải tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài, hoặc gửi đơn vượt cấp lên Trung ương như một sự cầu may. Chuyện kính chuyển đơn thư lòng vòng từ cấp này đến cấp khác, từ cơ quan này sang cơ quan khác là câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Tiếp dân thì cần lắng nghe dân, thực sự để cho dân nói, qua thông tin ấy thì chắt lọc để phục vụ cho công tác giải quyết, phục vụ cho công tác quản lý.
Tiếp công dân là thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, sẽ tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Nếu công tác tiếp công dân được thực hiện tốt ngay từ cấp chính quyền cơ sở thì niềm tin ấy sẽ tạo nên sự ổn định, an toàn trật tự xã hội. Thậm chí, qua đó để điều chỉnh những dự án, việc làm sao cho phù hợp với lòng dân. Và qua tiếp dân, qua giải quyết khiếu nại tố cáo thì phải xử lý cán bộ cho kịp thời, nếu không kịp thời thì việc người dân lên Trung ương tới trụ sở tiếp công dân Trung ương, tới các cơ quan Nhà nước ngày càng đông là đương nhiên. Và việc phát sinh điểm nóng sẽ không thể lường trước được.
Trong những năm qua, Trung ương đã triển khai nhiều kế hoạch để nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... Đông đảo dư luận cho rằng, dù đẩy mạnh kế hoạch công tác tiếp dân đến đâu cũng không thể hiệu quả nếu người đứng đầu vẫn cứ “ngại” tiếp dân, xa rời dân. Bởi khi không gần dân thì không thể hiểu dân, đồng cảm và chia sẻ với dân, để từ đó có biện pháp giải quyết cho dân. Hơn nữa, khoảng cách từ xa dân, rời dân, không quan tâm đến dân, dẫn đến sự quan liêu và không xử lý được dứt điểm các “điểm nóng” từ cơ sở.