Hà Nội

Khiếm thực ích thận cố tinh, kiện tỳ

SKĐS - Khiếm thực còn gọi đao khiếm, kê đầu mễ..., là nhân hạt đã chín già của cây khiếm thực (Euryale ferox Salisb.), họ súng (Nymphaeaceae).

Hiện nay, ở Việt Nam hay dùng củ của cây súng nhỏ (Nymphaea stellata Wild.) gọi là khiếm thực Nam thay cho khiếm thực Bắc. Cần chú ý phân biệt khi sử dụng.

Khiếm thực chứa nhiều tinh bột, protein, cellulose, Ca, P, Fe; các sinh tố B, C, acid nicotinic và caroten. Khiếm thực Nam có protein, chất béo, carbohydrat, chất xơ..., nupharin (thuộc nhóm hợp chất oestrogen).

Theo Đông y, khiếm thực vị ngọt, sáp, tính bình; vào tỳ, thận. Tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trừ thấp tiêu trệ, chỉ tiết tả. Trị tỳ hư tiết tả, di tinh di niệu, khí hư huyết trắng. Ngày dùng 15 - 30g bằng cách luộc, ninh, sắc, tán bột. Xin giới thiệu một số bài thuốc dùng khiếm thực.

Khiếm thực tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trị tỳ hư tiết tả, di tinh di niệu...

Khiếm thực tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trị tỳ hư tiết tả, di tinh di niệu...

Ích thận, cố tinh:

Bài 1: khiếm thực, kim anh tử lượng bằng nhau, xay bột mịn, làm hoàn. Mỗi lần uống 8g, chiêu với nước cơm. Trị chứng di tinh, bạch trọc (tinh tự ra, tiểu đục).

Bài 2: khiếm thực 40g, liên tử 40g, sa uyển tử 40g, mẫu lệ 20g, long cốt 20g. Liên tử nấu thành hồ, trộn với bột của các dược liệu khác làm hoàn. Ngày uống 16 - 20g. Trị di tinh, tinh tự ra.

Kiện tỳ, cầm tiêu chảy:

Bài 1: khiếm thực 12g, sơn dược 12g, bạch truật 8g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, ý dĩ nhân 12g, trần bì 12g, trạch tả 8g, thần khúc 8g, cam thảo 4g. Sắc uống nóng. Trị trẻ em tỳ hư, tiêu hóa kém, tiêu chảy kéo dài.

Bài 2: khiếm thực 30g, sơn dược 30g, biển đậu 30g, liên nhục 30g, phục linh 30g, bạch truật 30g, nhân sâm 8g, hạt ý dĩ 30g. Các vị tán bột, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 6 - 8g. Chữa chứng tỳ hư bất vận, tiêu chảy lâu ngày, ăn uống kém, người mệt mỏi.

Thử thấp, chỉ đới:

Bài 1: khiếm thực 12g, bạch quả 12g, sơn dược 20g, hoàng bá 8g, xa tiền tử 12g. Tất cả nghiền bột hoặc sắc uống. Trị chứng thấp nhiệt đới hạ.

Bài 2: bột khiếm thực, bột phục linh, liều lượng bằng nhau, luyện với mật làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước muối nhạt. Trị bạch đới.

Trị đái tháo đường: khiếm thực 63g, gan lợn 100 - 200g, nấu chín ăn.

Kiêng kỵ: người bị cảm cúm mới phát, táo bón đầy trướng bụng không dùng.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn