Khiếm thực chữa di tinh, tiêu hóa kém

SKĐS - Theo Đông y, khiếm thực vị ngọt, sáp, tính bình; vào tỳ, thận. Có tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trừ thấp tiêu trệ, chỉ tiết tả.

Khiếm thực còn có tên quả súng, kê đầu mễ... Vị khiếm thực ở nước ta có nguồn gốc từ hai cây: kê đầu mễ (Euryale ferox Salisb., họ Súng Nymphaeaceae) và cây củ súng (Nymphaea stellata Wild., họ súng Nymphaeaceae). Khiếm thực có nhiều tinh bột, protein, cellulose, Ca, P, Fe, các sinh tố B, C, acid nicotinic và caroten.

Theo Đông y, khiếm thực vị ngọt, sáp, tính bình; vào tỳ, thận. Có tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trừ thấp tiêu trệ, chỉ tiết tả. Dùng cho các trường hợp tỳ hư tiết tả, di tinh hoạt tiết, huyết trắng, khí hư, di niệu. Liều dùng, cách dùng: 15 - 30g dưới dạng nấu luộc, ninh, sắc, tán bột.

Khiếm thực được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Ích thận, cố tinh: dùng bài Thủy lục đan: kim anh tử, khiếm thực, liều lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mịn, làm thành hoàn. Mỗi lần uống 8g, chiêu với nước cơm. Trị chứng di tinh, bạch trọc (tinh tự ra, đái đục).

Kiện tỳ, cầm tiêu chảy: sơn dược 12g, bạch truật 8g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, khiếm thực 12g, ý dĩ nhân 12g, trần bì 12g, trạch tả 8g, thần khúc 8g, cam thảo 4g. Sắc uống khi còn nóng. Trị trẻ em tỳ hư, tiêu hóa kém, tiêu chảy kéo dài.

chữa di tinh, tiêu hóa kémCủ súng

Thử thấp, chỉ đới: dùng một trong các bài:

Bài 1 -  thuốc bột dị hoàng: khiếm thực 12g, bạch quả 12g, sơn dược 20g, hoàng bá 8g, xa tiền tử 12g. Các vị nghiền thành bột hoặc sắc uống. Trị chứng thấp nhiệt đới hạ.

Bài 2 - thuốc Hoàn phân thanh: bột khiếm thực, bột phục linh, liều lượng bằng nhau. Luyện với mật ong làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước muối nhạt. Trị bạch đới.

Bài 3: khiếm thực 63g, gan lợn 125-250g. Nấu chín ăn. Trị bệnh đái tháo đường.

Món ăn thuốc có khiếm thực:

Chè khiếm thực liên nhục: khiếm thực 30g, liên nhục 15g nấu chín nhừ thêm đường; mỗi ngày làm ăn 2 lần, đợt dùng 1 tháng. Dùng cho người di tinh, hoạt tinh, khí hư, huyết trắng, tiểu buốt, tiểu dắt (di niệu).

Canh khiếm thực đại táo: khiếm thực 30g (sao vàng), đại táo 15g, cho nước lượng thích hợp nấu chín nhừ, cho thêm chút giấm rượu khuấy đều. Uống trước khi ngủ. Dùng cho người cao tuổi tiểu đêm, di niệu.

Canh tôm thịt lợn trứng gà khiếm thực: khiếm thực 30g, trứng gà 2 cái, thịt lợn nạc 100g, tôm nõn 60g, cần tây, mộc nhĩ lượng tùy ý, thêm gia vị, nấu chín nhừ. Dùng cho người tỳ vị hư nhược, ăn kém chậm tiêu, lão suy trước tuổi.

Chè liên nhục khiếm thực hoài sơn: khiếm thực 250g, liên nhục 250g, sơn dược 250g, ngó sen 250g; mỗi thứ sao vàng tán bột trộn đều để sẵn. Mỗi lần dùng 30g khuấy đều với nước sôi thêm đường, ngày 3 lần ăn. Đợt liên tục 10 ngày. Dùng cho người tiêu chảy dài ngày do tỳ hư (trẻ em suy dinh dưỡng, người cao tuổi...).

Cháo khiếm thực: bột khiếm thực 60g, gạo tẻ 150g nấu cháo, thêm muối hoặc đường. Dùng cho người di tinh, huyết trắng, tiêu chảy mạn tính, tiểu buốt, tiểu dắt, di niệu.

Kiêng kỵ: người bị cảm cúm khởi phát, táo bón đầy trướng bụng không dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn