Khiếm thị không chấm hết cuộc đời

10-03-2018 09:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thị giác được coi là tri giác quan trọng nhất, vậy nên khiếm thị khiến mọi người liên tưởng đến cuộc sống rất hạn chế. Câu chuyện về cuộc đời bà Krystyna dưới đây có thể là chứng cứ khẳng định, mất thị giác không phải là chấm hết cuộc đời.

Nữ công dân thành phố biển Sopot (Ba Lan) tuổi hưu trí, cho dù bà hoàn toàn không xếp mình vào nhóm tuổi này. Bà thích những bộ phim tâm lý - xã hội, sân khấu kịch nói hiện đại và nhạc jazz. Bà không thích những người sống hời hợt, giả dối, vô cảm.

Bà Krystyna chưa bao giờ nhìn thấy thế giới của chúng ta. Là con út trong gia đình 3 anh em, 60 năm trước khi được sinh ra, bà đã mù lòa.

Không tuổi thơ hồn nhiên

Tôi lớn lên không có tuổi thơ hồn nhiên - bà Krystyna khôi hài, cười tươi chia sẻ - thực tế không phải lúc nào tôi cũng là kẻ dễ chịu đối với mọi người. Từ bé tôi đã có thói quen khoái cười và kể chuyện tiếu lâm chọc giận bạn bè. Tuy nhiên, không bao giờ tôi kể chuyện tục tĩu, hoặc thô thiển. Tôi cũng không mếch lòng khi ai đó trả đũa tôi.

Nghề nghiệp được đào tạo: thạc sĩ tâm lý. Nghề đang thực hành: giáo viên. Với tư cách cán bộ hưu trí, hiện bà Krystyna đang làm thêm nửa ngày tại trường tiểu học, hệ hòa nhập ở thành phố Gdansk. Bà đi làm bằng các phương tiện giao thông công cộng, mỗi ngày chinh phục chặng đường trên dưới 100km.

Khó khăn nhất là mùa đông - bà chia sẻ - đường trơn và những tảng băng tuyết cản trở khả năng định hướng, nhưng biết làm sao? Bản thân tôi dạy học trò kỹ năng tự xoay sở trong cuộc sống thường nhật, vậy nên tôi không thể thanh minh sự vắng mặt hoặc chậm giờ lên lớp của mình bằng lý do những khó khăn thời tiết.

Giáo viên khiếm thị Krystyna đam mê cuộc sống tự lập

Giáo viên khiếm thị Krystyna đam mê cuộc sống tự lập

Tuổi học đường

Bà Krystyna không bao giờ coi khuyết tật của bản thân là rào cản trong cuộc sống thường nhật. Từ tuổi ấu thơ, gia đình ứng xử với con gái út hoàn toàn bình thường, không có chế độ chiếu cố, nuông chiều. Bé Krystyna chơi đùa thoải mái trong sân nhà cùng các bạn đồng lứa, được bà nội và chị gái rất yêu quý.

Chính chị gái đã không dành cho tôi bất cứ ưu đãi nào, trong tất cả các trò chơi - bà Krystyna kể, với tấm lòng hàm ơn thật sự - Đến nay, sau nhiều thập kỷ, mối quan hệ tình cảm của hai chị em chúng tôi vẫn rất gắn bó, thân thiết. Tôi là mẹ nuôi con đầu, trong 3 con gái của chị. Sống hết mình, chân thành với tôi - em gái tật nguyền, chị đã trở thành tấm gương của 3 con, khiến cả 3 luôn dành cho tôi, bà dì khiếm thị của chúng tình yêu nồng ấm và sự kính trọng xứng đáng.

Thời ấu thơ, 7 tuổi, bà Krystyna đã phải chia tay đại gia đình thương yêu, đến thành phố Bydgoszcz, xa quê hương ngót 1.000km, để theo học tại trung tâm giáo - dưỡng đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị.

Thời ấy, đối với tôi, mỗi lần xa nhà bắt đầu năm học, hoặc học kỳ mới là trải nghiệm hết sức khó khăn, tình cảm với cha mẹ, ông bà, chị gái... níu kéo hai chân nặng hơn chì - bà Krystyna bồi hồi kể - Bù lại, những chuyến về nhà dịp nghỉ hè, nghỉ học kỳ, nghỉ Tết, tôi cảm nhận như đại lễ dành cho cả gia đình.

Năm tôi xa nhà, đón ngày khai trường, với tư cách nữ sinh lớp 8, song nước mắt vẫn rơi lã chã, chị gái tôi, khi ấy đã là sinh viên, vỗ vai tôi, an ủi, năm nay, lần cuối chị được đón em gái Krysia (tên gọi thân mật, Krystyna) về nhà nghỉ hè. Chị tôi nói như vậy, bởi đã biết, từ bậc trung học phổ thông, tôi sẽ được học tiếp tại thành phố Sopot quê hương. Trường học dành cho người khiếm thị đã chuẩn bị kiến thức mọi mặt cho tôi tốt hơn so với các trường hệ hòa nhập ngày nay - bà Krystyna nhớ lại những năm tháng cắp sách đến trường - Các thầy, cô giáo của chúng tôi thuở ấy là những chuyên gia, chúng tôi được thụ hưởng sự hỗ trợ thích hợp và sách giáo khoa bằng ngôn ngữ Braille (chữ nổi).

Tại trường trung học phổ thông, Krystyna buộc phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ về phương diện giáo dục mà cả cảm xúc. Thiếu nữ nhập trường mới không biết các bạn trong lớp sẽ tiếp nhận mình thế nào. Bản thân không đủ can đảm làm quen bạn cùng lứa. Hai bạn gái đã làm việc đó, họ chủ động bắt chuyện với Krystyna ngay ngày khai trường. Và Krystyna kết thân với họ đến ngày nay.

Sau tốt nghiệp trung học phổ thông, lần thứ hai Krystyna khiếm thị xa nhà. Lần này chị đến thành phố Lublin, để theo học chuyên ngành Tâm lý học, Đại học Lublin.

Và tiếp tục lặp lại những chuyến đi buồn nhớ và những lần trở về đầy ắp niềm vui - bà Krystyna hồi tưởng những năm đã qua - Song cuộc sống chính là tập hợp của những ngày như thế.

Công việc

Tốt nghiệp đại học, chuyên gia tâm lý Krystyna trở về thành phố quê hương Sopot. Lúc ấy mới bắt đầu xuất hiện những khó khăn thực sự, khi không chủ thuê lao động nào muốn tuyển dụng chuyên gia tâm lý khiếm thị. Vài năm chị thất nghiệp. Thời gian chờ việc, Krystyna khỏa lấp bằng việc trông nom nhà cửa, sau ngày mẹ qua đời, nhận hợp đồng gia công đan áo len, nướng bánh ngọt cho bà con họ hàng và đọc sách.

Cuối cùng cuộc đời đã mỉm cười. Một ngày nọ chị nghe thông báo tuyển dụng lao động qua chương trình truyền hình. Theo đó, cơ sở tuyển dụng tìm người có khả năng dạy học cho trẻ khiếm thị và trẻ khuyết tật. Và thạc sĩ tâm lý khiếm thị trở thành nhân viên Trung tâm Giáo - Dưỡng đặc biệt thành phố Sopot, nơi chị được phân công dạy từng cá nhân học sinh. Cùng với thời gian, yêu cầu công việc dành cho Krystyna cũng thay đổi. Chị dạy duy nhất chữ nổi (Braille).

Với bản tính kiên trì kèm kiến thức một chuyên gia tâm lý, cô giáo Krystyna nhanh chóng gặt hái khá nhiều thành tích ấn tượng. Chị giành nhiều chiến thắng trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, khối các Trung tâm Giáo - Dưỡng đặc biệt, toàn Ba Lan. Tiếp theo, từ trung tâm, chị chuyển công tác về trường phổ thông với các lớp hệ hòa nhập ở thành phố Gdansk. Hiện chị vẫn tiếp tục giảng dạy tại các lớp học, hệ giáo dục này.

Tôi rất yêu công việc của mình, nhưng thực tế đi làm quá xa (trên 100km/ngày) đôi lúc cũng làm tôi mệt mỏi - bà Krystyna tâm sự - Có thời tôi ao ước dạy trẻ khiếm thị năng lực trí tuệ thấp, cho dù trong lòng không hề mong muốn xã hội có nhiều trẻ thiếu may mắn như vậy.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo viên, ngoài công việc giảng dạy, bà Krystyna còn tranh thủ thời gian theo học và đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sau đại học bao gồm các chuyên ngành: sư phạm, ngôn ngữ học tiếng Ba Lan và giáo dục trẻ khiếm thị, trẻ khuyết tật và trẻ thiểu năng trí tuệ.

Sở thích bình dị

Có lẽ từ nhỏ đã phải sống xa người thân, bà Krystyna luôn quý trọng cuộc sống gia đình. Bà thích đan len trong những thời gian rảnh rỗi.

Cách đây không lâu có người quen ngạc nhiên khi chứng kiến người khiếm thị đan len - bà Krystyna mỉm cười, tường thuật - Vài tuần sau, tôi đã mời bà bạn đến nhà, tặng bà đôi găng tay, mũ và chiếc khăn len. Bà ấy thật sự phấn khởi!

Bà Krystyna đam mê các chuyến đi xa và đặt chân đến các vùng đất mới. Cùng các bạn gái, bà đã đi hầu khắp quốc gia châu Âu, ghé thăm nhiều thủ đô, trong đó có Berlin, Paris và Stockholm.

Chuyến hành hương đến vùng đất Thánh địa Trung Đông là giấc mơ của tôi - bà Krystyna chia sẻ - Bảy năm trước, nhờ sự giúp đỡ của bạn gái sống ở Đức, tôi đã may mắn được tham gia chương trình hành hương đến Thánh địa, do Giáo xứ Ba Lan tại Dueseldorf tổ chức. Tôi sung sướng với thành phố Betlejem, Nazaret và Jerusalem đến mức, năm ngoái tôi lại thực hiện chuyến đi thứ hai.

Với bà Krystyna, bạn cũng có thể đàm đạo thoải mái về bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Bà là thành viên tích cực của CLB Điện ảnh những người khiếm thị, tổ chức hoạt động dưới sự bảo trợ của Hiệp hội De Facto, thành phố Plock.

Sống như người sáng mắt

Thường ngày bà Krystyna tự giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa và tự nấu ăn.

Chỉ những người sáng mắt nghĩ rằng, không thể làm những việc đó khi thiếu đôi mắt - bà Krystyna hóm hỉnh, khẳng định - Tôi có quan điểm khác về chủ đề đó.

Cho dù không nhìn thấy gì, song tôi vẫn nhận ra những thay đổi xuất hiện trong thế giới. Tôi đã học tập trong môi trường không có âm thanh phát ra từ máy vi tính - bà Krystyna dẫn giải. Bây giờ qua mạng internet, chỉ cần thời gian vài giây, chúng ta có thể dễ dàng lấy thông tin, thời trước tôi phải mất nhiều giờ tìm kiếm. Kỹ thuật đã kéo thế giới gần với tôi đáng kể và đã giúp tôi khá nhiều trong sinh hoạt thường nhật. Đã vài năm tôi sở hữu smatphone màn hình cảm ứng, có hộp thư điện tử, song chưa thích mở tài khoản facebook. Hơn một lần chị gái mời tôi đến sống cùng gia đình chị, nhưng tôi cảm ơn nhiệt tình của chị. Tôi thích sống một mình và tự xoay sở không tồi - người phụ nữ khiếm thị đam mê cuộc sống tự lập chân thành chia sẻ.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn